• Anh Trinh (Radio Hoa Mai)
Radio Hoa Mai: Kể từ hơn một năm qua, phong trào đấu tranh vì nhân quyền và công bằng xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam . Mặc dù nhà nước Việt Nam đã thẳng tay đàn áp trù dập những người có tâm huyết lên tiếng nói một cách dũng cảm. Trong số những tiếng nói vì công lý đó, có chị Tạ Phong Tần là một cựu đảng viên, mà cũng là một cựu sĩ quan công an cộng sản Việt Nam . Hiện nay, chị là phụ tá của Luật sư Lê Trần Luật, một vị Luật sư đã chấp nhận những thử thách khó khăn để trợ giúp pháp lý cho những vụ án nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam.
Cụ thể là vụ án chính trị của Ký giả Trương Minh Đức (đảng viên Đảng Vì Dân); vụ án của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phan Thanh Nghiên thuộc Khối 8406; và việc gần đây nhất là đứng ra bênh vực cho 08 giáo dân bị nhà nước Việt Nam vu tội ở Hà Nội.
Dư luận trong và ngoài nước hầu hết đều biết đến người phụ nữ dũng cảm này, qua các bài viết rất thẳng thắn và đầy tinh thần xây dựng được phổ biến công khai trên “Blog Công lý và Sự thật”. Cũng vì quyết tâm đấu tranh cho lẽ phải này, chị Tạ Phong Tần đã bị công an Việt Nam lưu ý tìm cách gây khó khăn trong cuộc sống cũng như sự mưu sinh.
Vào trưa ngày 04/03/2009, cơ quan an ninh đã chận bắt chị trên đường trở về văn phòng Luật sư pháp quyền nơi chị đang làm việc và giữ lại nhiều tiếng đồng hồ để tra hỏi, đe doạ, cảnh báo.
Để giúp đồng bào trong và ngoài nước có thêm chi tiết về nội vụ, chúng tôi đã liên lạc với chị Tạ Phong Tần để có một cuộc trao đổi ngắn để chia sẻ cùng với Chị. Và dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của phóng viên Anh Trinh (Radio Hoa Mai) với chị Tạ Phong Tần.
Nội Dung cuộc phỏng vấn —
Ngày 04/03/2009
AT: Thưa Chị, Đài Hoa Mai chúng tôi có đọc các bài viết của Chị trên các diễn đàn, tuy ngắn nhưng rất là thực tế. Sự diễn cảm ngôn ngữ rất là bình dân dễ hiểu. Bất cứ ai đọc cũng hiểu cái diễn biến của xã hội mà Chị muốm đề cập đến, thì Chị có thể cho biết đây có phải là sự cảm thông đối với con người Việt Nam đang bị đối xử bất công trong chế độ CSVN, hay là điều Chị viết chỉ là sự trông thấy bình thường như những người khác?
Chị TPT: Những gì tôi viết ra là những cảm xúc của tôi, và khi mà tôi cảm thấy những vấn đề nó trái pháp luật, nó làm cho tôi bức xúc, không nói ra không được.
AT: Chị có nghĩ là, khi Chị làm một điều đi ngược lại với chính sách cai trị của nhà nước, thì không tránh được cái nguy hiểm trước mắt, Chị có suy nghĩ đến điều đó không?
Chị TPT: Nhà nước Việt Nam luôn nói rằng muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, và kêu gọi tất cả mọi người phải sống theo Hiến pháp và pháp luật, thì tôi đang làm việc đúng theo Hiến pháp và pháp luật đây. Tôi căn cứ vào pháp luật mà tôi nói, nếu người nào có hành vi sai pháp luật, thì tôi chỉ nói: “ À, người đó có hành vi trái pháp luật”. Như thế, thì không thể nói trái với ý muốn của nhà cầm quyền được. Nhà cầm quyền miệng thì nói là dân chúng phải nên sống và làm việc theo pháp luật, mà hễ người ta sống và làm việc theo pháp luật, thì không cho mà còn cản trở. Thì cái đó rõ ràng là nói một đàng, làm một nẻo.
AT: Điều mà Chị vừa phản ảnh thì đúng, rõ ràng là người nào mà lên tiếng nói cho sự thật, cũng như cho công lý hoặc là bênh vực cho những người thấp cổ bé miệng, thì đều bị nhà nước đã không xử sự đúng theo pháp luật, mà lại dùng một cái luật gì đó (?) để mà áp dụng đối với những người này, trù dập những người nói sự thật. Thưa Chị, được biết là ngày 04/03/09 trưa nay công an đã mời Chị lên làm việc, thì họ có gây khó khăn kế tiếp nào trong công việc của Chị?
Chị TPT: Đương nhiên là gây khó khăn, cái này không có phải là mời, mà là họ đã bắt người trái pháp luật. Bởi lẽ mời, thì phải mời lịch sự, chu đáo, phải biết tôn trọng người khác. Chứ mời không có nghĩa là, tui nói miệng tui mời đó, anh phải bắt buộc nghe theo ý tôi. Đó không phải là mời. Mặc dù họ mượn cái tiếng mời, nhưng không phải là mời. Và cái việc mời của họ không quy định trong một văn bản pháp luật nào cả. Hết cả tuần nay, họ mời hết người này đến người kia trong văn phòng của chúng tôi, người nào cũng hai, ba cái giấy mời , tối ngày cứ chạy đến cơ quan công an hoài, thì ở đây còn mở cửa làm ăn gì được. Khách nào mà vô khi mở cửa ra thì không có người nào trong văn phòng.
AT: Khi mà họ đưa vô trong phòng làm việc của công an, thì họ nói như thế nào? Lý do gì mà họ bắt Chị giữa đường như vậy, trong khi không có một cái lệnh bắt rõ ràng nào hết?
Chị TPT: Tôi đang đi ngoài đường, họ nắm cổ, họ quẳng lên xe thôi chứ nói lý do gì! Họ bảo là họ mời nhưng tôi không đi, nên họ mới làm như thế. Tôi phản đối, tôi nói với họ rằng: “Các anh mời thì các anh phải đưa trước giấy mời cho tôi 03 ngày để cho tôi sắp xếp công việc, chứ cái kiểu gì mà trưa đưa giấy mời biểu tôi sau giờ chiều lên cơ quan của họ. Hoặc là 4-5 giờ chiều đưa giấy bảo sáng lên. Cái đó tôi không đồng ý, vì kế hoạch làm việc tôi đã sắp xếp xong rồi, tôi không thể bỏ được”. Còn ở đây là họ làm cái kiểu đó là cái kiểu ra lệnh, dùng cái quyền lực để ra lệnh chứ không phải là mời. Mời người ta là phải thoả thuận như thế nào, phải hợp tình hợp lý, người ta phải sắp xếp cái công việc được mới đến chứ, họ biết công việc của họ, mà không biết đến công việc của người khác.
AT: Vâng, Chị ý kiến về vấn đề đó rất đúng. Thưa Chị là, chúng tôi được biết là Chị có giúp Luật sư Lê Trần Luật để đấu tranh pháp lý cho những người dân oan, cho những người giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà kiện về đất đai. Công việc đó như thế nào, và có bị phía nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra “đề nghị” không cho phép làm việc đó hay không?
Chị TPT: Tôi không phải là Luật sư bào chữa, mà tôi chỉ là trợ lý cho Luật sư Lê Trần Luật. Nhà cầm quyền Việt Nam đưa vấn đề thế nào với Luật sư, chứ không đưa ra đề nghị gì với tôi.
AT: Được biết trước đây Chị là một đảng viên của chế độ trong ngành công an. Và bây giờ là một cựu đảng viên của chế độ. Vậy động lực nào mà Chị đã có những suy nghĩ dũng cảm, khác những người công an bình thường để nói lên sự thật về một cái xã hội bất công như vậy?
Chị TPT: Thì thử sống trong một xã hội bất công như chúng tôi, thì tự nhiên Chị có động cơ.
AT: Khi mà Chị làm một điều có ý nghĩa cho xã hội và người dân, Chị có cảm thấy rằng Chị rất là thoải mái và có một cái niềm hãnh diện cũng như là có một sự lo âu nào không?
Chị TPT: Tôi không nghĩ rằng, tôi làm được một cái gì cho người dân hết. Đơn giản là tôi chỉ nói ra một cái sự thật, mà đang diễn ra hằng ngày chung quanh tôi thôi. Nếu có ai đó nhìn vào cái sự thật đó, mà phát hiện một điều gì đó mà có ích cho họ, thì tôi rất là mừng.
AT: Thưa Chị, công việc của chị hiện bây giờ hoặc trong đời sống của gia đình Chị, thì có bị khủng bố hoặc bị đe doạ gì không?
Chị TPT: Bản thân tôi thì bị khủng bố đây. Mấy năm nay thì tôi không về nhà, coi như là tôi chấm dứt các mối liên lạc với gia đình, để cho những người ở nhà khỏi bị quấy rầy.
AT: Nếu như vậy, là Chị sống đơn độc hay thế nào? Chị có thể chia sẻ để mọi người quan tâm có một sự thông cảm với Chị.
Chị TPT: Đương nhiên khi mà mình sống đơn lẽ thì cũng có những khó khăn của cái người sống độc thân. Nhưng đối với tôi, thì quan trọng là mình sống như thế nào để nó có ý nghĩa một chút thôi.
AT: Qua những bài viết của Chị rất là có giá trị. Đối với một đất nước như vậy thì cái giá trị của bài viết nó nói lên cái giá trị tình người, cái giá trị nhân bản. Tuy nhiên vẫn bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chối bỏ cái sự thật đó. Và vì vậy nên họ mới trù dập, mới khủng bố cái tinh thần của Chị, cản trở những việc làm ý nghĩa của Chị. Vậy những cái khó khăn trước mắt như vậy, Chị có cảm thấy rằng là đủ nghị lực để bước trên một con đường đi mà cảm thấy rằng làm theo lương tâm của mình.
Chị TPT: Tôi nghĩ là một khi tôi đã nói sự thật, thì không có gì cản trở tôi được hết. Còn ai muốn che giấu sự thật thì kẻ đó đồng loã với các tội ác.
AT: Qua một thời gian, Thủ tướng nhà cầm quyền CSVN Nguyễn tấn Dũng đã lập nên Ban Phòng chống tham nhũng. Là người trong nước, Chị có thấy nó có những tác dụng gì? Có thể nó không được hoàn toàn tuyệt đối, nhưng ít ra có thể nhìn thấy được một tương lai tốt đẹp cho công việc của Ban Phòng chống tham nhũng này không? Chứ ở ngoài nước thì thấy tình trạng này hầu như nó còn nặng nề hơn?
Chị TPT: Khi mà một nhà nước chưa có cái hệ thống tam quyền phân lập thì cái việc chống tham nhũng nó không có hiệu quả. Tại vì những người có quyền tham nhũng là những kẻ có quyền cao chức trọng và nắm các vị trí có quyền quyết định các vấn đề đó, thì làm sao mà chống được. Thành ra cái việc chống tham nhũng nó rất là hạn chế, càng chống thì nó lại càng tăng. Vì bởi lẽ, anh vừa làm đại biểu Quốc hội, anh vừa làm Bộ trưởng, hay làm Chủ tịch Tỉnh hay là gì gì đó… Thế thì nghĩa là người ta không thể tránh khỏi cái tình trạng là cơ quan lập pháp làm có lợi cho cơ quan hành pháp, tức là có lợi cho ngành nghề của cái Ông Bộ trưởng đó hay là có lợi cho quyền hành của Chủ tịch tỉnh đó.
AT: Vâng, mời Chị gửi một câu nói, nói từ trái tim của Chị đến các đồng hương hải ngoại rất là quan tâm đến trường hợp của Chị và rất là ngưỡng mộ những bài viết của Chị, cũng như người Việt Nam trong nước có quan tâm giống như vậy.
Chị TPT: Tôi có hy vọng là mọi người đừng có phân biệt trong nước hay ngoài nước, mà hãy đoàn kết cùng nhau để xây dựng một đất nước Việt Nam văn minh tiến bộ, có thể tự hào với các cường quốc Năm châu. Chứ đừng để cho người ta cứ tối ngày cứ xếp hạng mình là Nhất, Nhì tham nhũng hay là chỉ số công khai minh bạch nó quá bê bếch, tôi thấy tôi xấu hỗ lắm.
AT: Vâng, cảm ơn Chị đã chia sẻ với Anh Trinh Đài Hoa Mai, dù là những giây phút ngắn ngủi. Nhưng những lời nói của Chị đã nói lên cái suy nghĩ cũng như quan điểm của Chị.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét