Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Cụ Rùa Hồ Gươm và TS. Cù Huy Hà Vũ có phải là bạn đồng hành ??? (GTC)

Sau những ngày làm náo động cả dư luận, xới tung những thông tin trên mạng, nay xem lại vụ án của TS. Cù Huy Hà Vũ và vụ cụ rùa Hồ Gươm, chúng ta có thể rút ra được những điều đáng suy ngẫm.


Cụ rùa Hồ gươm tuy bị bố ráp, bủa vây, và lôi kéo được một đám đông cả ngàn người hiếu kỳ, nay đã bị giam trong lồng sắt nhưng mục đích cuối cùng của những sự việc ấy là gì ? Đó là để được chữa trị cho cụ rùa khỏe mạnh.


TS.Cù Huy Hà Vũ cũng bị đe dọa, chèn ép, dùng thủ đoạn bủa vây, và cuối cùng bị bắt, đã gây chú ý cho hàng ngàn người muốn tham dự, thậm chí là gây chú ý cho cả thế giới quan tâm, nay đã bị giam sau khung sắt nhà tù, nhưng kết quả cuối cùng là gì ? là để tăng thêm uy tín và ủng hộ của người dân và toàn thế giới, đó chẳng phải là đã làm tăng thêm sức mạnh cho ông sao ?


Cụ Rùa già đã sống hàng trăm năm, giờ đây dù mang cho những kẻ hám ăn nhất, chắc họ cũng lắc đầu  đành chào thua vì món thịt rùa dai ngoách này, mà không chừng sẽ gẫy răng vì nhai không kỹ !


TS. Cù Huy Hà Vũ cũng thế, với cái chức vị Tiến Sĩ, lại là con của một bộ trưởng thuộc hàng khai quốc công thần, đã chẳng phải là món dễ nuốt, do thế, sau nhiều lần dọ dẫm mà chẳng dám cắn, cuối cùng, cực chẳng đã nên đảng CSVN phải nhờ đến hai cái condoms gài độ, mang đến sự nhục nhã vì chẳng dám trưng ra tòa !


Giờ đây, với món thịt dai ngoách mang tên CHHV, không biết rằng đảng CSVN có dám gặm thử không ? hay chỉ là để cho TS. Cù Huy Hà Vũ nghỉ dưỡng, và tăng thêm sức mạnh rồi thả ra !


Để xem, nếu cụ rùa Hồ Gươm và TS. Cù Huy Hà Vũ bị vào khung sắt cùng một thời điểm, thì ngày ra của cụ Rùa và ngài TS. chắc cũng chẳng dám cách xa !

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Lại một trò mèo !

Hôm nay GTC vô tình tìm thấy blog Vàng Anh ở http://vanganh.multiply.com/ , vừa ghé vào đọc bài: Giã từ tình yêu, giã từ blog VangAnh, giã từ blogger VangAnh...7/13/09 đã giật nảy mình vì thấy nguyên câu mở đầu của GTC trong bài Hẹn gặp lại ở GTC2009.tk :



Chia tay với Yahoo 360 kể ra cũng buồn vì đã có biết bao kỷ niệm buồn vui và những thân quen khi sống cùng 360, nhưng cuộc sống vốn tự nó cũng cần phải thay đổi mới tiến hóa được, "CHANGE WE NEED", không phải mỗi chúng ta đều muốn thấy hay sao ?


Đọc tiếp xuống dưới, GTC thấy nguyên một bài viết của mình đã được chôm về và sửa đổi tên GTC thành VA




GTC đã để lại comment cảnh báo mọi người hãy cẩn thận vì đây là blog Vàng Anh giả, việc đạo bài của GTC cho thấy sự dối trá và thiếu trung thực thường có của báo đài CSVN. Nhưng chỉ sau mươi phút, GTC quay lại đã thấy thêm hàng chữ dẫn nguồn tới blog của GTC, nhưng trong bài vẫn để tên VA thay vì GTC và comment của GTC đã bị xóa.




Theo GTC đoán thì rất có thể blogger Vàng Anh đã bị bắt, và những cái blog mang tên Vàng Anh chỉ là ngụy tạo nhằm mục đích đen tối, chúng ta phải đề cao cảnh giác khi ghé những blog này vì bọn họ không hề từ chối một hành động hèn hạ bần thỉu nào đề đạt được mục đích như vụ cài Trojan, virus,....


Trong bài viết: "Blogger, hãy tự bảo vệ mình", GTC có đề cập đến 1 phương pháp truy tìm :


GTC đã nghĩ ra 1 cách để xác định được số điện thoại của blogger mà chẳng cần Yahoo hay Google cung cấp dữ liệu, nhưng xin được phép không trình bày ở đây, bởi vì chả lẽ GTC lại vẽ đường cho hươu chạy


Đây là 1 phương pháp hoàn toàn không dùng Trojan hay Virus, thế nhưng bộ phận an ninh của Vietnam với đầy đủ phương tiện cần thiết trong tay lại dùng thủ đoạn hèn hạ là cài Trojan đánh lừa người dùng, thế thì còn đâu đáng mặt của Phòng CSĐT tội phạm công nghệ cao, thuộc Bộ Công an (C15), rõ chán với đỉnh cao trí tuệ !


Có lẽ chẳng cần chứng minh như trên thì tự mỗi người khi vào đọc những blogs của Vàng anh, Changeweniid cũng sẽ tự nhận ra sự thật hay giả dối qua những entry

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Hẹn gặp lại ở GTC2009.tk (GTC)



Chia tay với Yahoo 360 kể ra cũng buồn vì đã có biết bao kỷ niệm buồn vui và những thân quen khi sống cùng 360, nhưng cuộc sống vốn tự nó cũng cần phải thay đổi mới tiến hóa được, "CHANGE WE NEED", không phải mỗi chúng ta đều muốn thấy hay sao ?

Sức ỳ của mỗi con người chúng ta vốn rất lớn, thấy những hạn chế, sai sót cần thay đổi đó, nhưng sao cứ ngại ngùng khi bỏ chốn thân quen, hẹn trong đầu ngày mai sẽ thay đổi, nhưng rồi lại để trôi qua với tặc lưỡi hối tiếc, rồi lại hẹn nữa ngày mai....., biết đến bao giờ !

Có lẽ chúng ta cần 1 cú hích, Yahoo đã giúp chúng ta làm điều đó ! và chúng ta phải chuyển sang nhà mới với đầy bỡ ngỡ, vạn sự khởi đầu nan, chẳng việc gì mà không bước đầu gặp khó khăn, rồi từng ngày sẽ dần trôi, và đến lúc nào đó có lẽ chúng ta sẽ nhận ra sao không chịu thay đổi sớm hơn !


GTC qua đây muốn nhắc chúng ta đến một sự thay đổi lớn hơn, thay đổi của xã hội, chắc ai trong chúng ta cũng thấy những bất cập trong xã hội Việt nam hiện nay, tham nhũng, dối trá, bất công tràn lan, y tế giáo dục xuống cấp trầm trọng, chúng ta đã có thời gian quá đủ để có thể cải cách hay xây dựng, nhưng sao với gần như cùng thời điểm xuất phát, chúng ta đã bị các nước lân cận tương quan bỏ rơi từ vài chục đến cả trăm năm.


Nếu chúng ta không thay đổi, có lẽ vực thẳm sẽ là đích đến sau cùng, nghe có vẻ như quá bi thảm, nhưng thực tế có lẽ còn tệ hơn thế nữa, nếu không thay đổi, cái tên Việt nam có thể sẽ không còn trên bản đồ thế giới nữa, những người sống trong nước hiện nay đa phần nếu có thể thì đều đang cố gắng để có thể ra được nước ngoài học tập và sinh sống, bạn hãy nhìn chung quanh xem, hầu hết những người có quyền hay có tiền đều có người thân ở nước ngoài.


Những người Việt ở nước ngoài còn hướng về tổ quốc sẽ dần già cỗi mệt mỏi để có thể thay đổi được quê hương, để lại một nước Việt nam ngày càng tụt xa so với bè bạn, đến đây rất có thể có ý kiến cho rằng Việt nam vẫn đang tiến lên từng ngày, vẫn thay đổi từng ngày đó thôi ! Vâng, Việt nam vẫn thay đổi đấy, vẫn tiến lên đấy, nhưng với 1 xã hội đầy tham nhũng dối trá và bất công như hiện nay, việc tiến lên chỉ là ì ạch, trong khi các nước khác kề cận đã vượt xa tầm mắt !


Khi chỉ còn là 1 quốc gia bị thụt lùi quá xa, Việt nam dễ trở thành miếng mồi ngon cho các nước mạnh hơn xâu xé, mà hiện chúng ta có thể dễ thấy Trung quốc đã nhúng tay quá sâu vào nội tình Việt nam, qua bô xít Tây nguyên, qua việc chiếm Hoàng sa Trường sa, qua tuyên bố chủ quyền "lưỡi bò" trên vùng hải phận Việt nam, chuyện gì sẽ xảy ra sau này có lẽ sẽ tệ hại hơn chúng ta có thể tưởng tượng !


Chúng ta cần phải thay đổi, hãy chờ xem, cú hích đang đến gần, hãy sửa soạn để có thể lợi dụng cú hích hầu bước sang con đường mới tươi sáng hơn cho dân tộc Việt, cho cả tương lai của chính bản thân con cháu chúng ta, để chính chúng ta không còn phải ngóng chờ ở một nơi xa lắc nơi xứ người, để tất cả mọi người cùng vui vầy vun đắp trên chính quê hương.

--------------------------------------------


Đến với GTC, các bạn chỉ cần nhớ GTC2009.tk, hay GTCVN.TK, hoặc GTCblog.tk

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Khi cả một bộ máy chống một con người




“… Cả một bộ máy đồ sộ hùng hổ chống một con người tay không tấc sắt. Nó có thể nghiền nát một con người ư? Xưa kia đó là chuyện thường. Nhưng thời thế đã thay đổi nhiều rồi …”

Bộ máy ấy là chế độ độc đoán độc đảng toàn trị, hình ảnh rớt lại của mô hình cai trị theo kiểu Staline và theo kiểu Mao Trạch Đông, đã bị lịch sử loại bỏ.

Cả một bộ máy đồ sộ ấy, đông người, tốn của, đang được huy động để tận lực chống một con người: anh luật sư trẻ Lê Công Định.

Chống anh Định, có những ai đã xuất trận ?

Chống Anh, trước hết là bộ chính trị 15 người, đồng lòng, nhất trí, phồng mang trợn mắt, ra lệnh cho bộ hạ ra tay, thẳng cánh hạ nhục và trừng trị Anh.

Cả một bộ máy công an, cảnh sát, an ninh, phản gián được huy động để điều tra, sưu tầm, vẽ nên tội, dựng thành tội cho Anh. Tội này là trọng tội, tội lật đổ nhà nước, tội phản nghịch, tội có thể mất đầu như chơi.

Hai ông tướng Công an, một trung tướng, một thiếu tướng đã vào cuộc từ phút đầu.

Cả bộ ngoại giao được huy động, từ bộ trưởng, các thứ trưởng, các đại sứ khắp 5 châu, cho đến người phát ngôn mặt trơ trán bóng đều ồ ạt vào cuộc để "giao thiệp" rộng rãi, cố lên gân thuyết phục thế giới rằng Anh là tên phiến loạn, là kẻ khủng bố nguy hiểm cần trừng phạt; đây là chuyện trong nhà chúng tôi, xin chớ can thiệp.

Cả bộ máy thông tin, truyền thanh, truyền hình, báo chí, loa phát thanh tuôn ra những sớ dài kể tội và thú tội của Anh. Anh trở thành kẻ nguy hiểm nhất của chế độ, của xã hội Việt Nam! Anh bị giới báo chí trong nước - được coi là lương tâm thời đại - (hay tim đen chế độ?) - bề hội đồng.

Anh Lê Công Định thật ra có tội không ?

Theo con mắt bệnh tật của kẻ cầm quyền toàn trị, tội anh nhiều, rất nặng.

Anh dám thương dân mình cực khổ nghèo hèn, anh dám thương nước mình lạc hậu, kém xa các nước láng giềng về mọi mặt. Anh dám mong ước có một nền dân chủ đa nguyên lành mạnh, như phần lớn nước khác trên thế giới. Anh dám nghĩ đến một hiến pháp tiến bộ thay cho hiến pháp hiện hành, với một chế độ dân chủ thứ thật, thay cho chế độ mà Linh mục Nguyễn Văn Lý nhận xét: “chưa Độc lập, thiếu Tự do, không Hạnh phúc".

Anh nghĩ đến những tổ chức chính trị khác để cùng đảng cộng sản ganh đua phục vụ nhân dân và đất nước, đưa đảng CS ra khỏi cảnh đơn côi, một mình một chiếu, không ai kiểm soát, kiềm chế, sinh ra hư đốn bệ rạc, tham nhũng tha hoá như nhãn tiền.

20 bài luận văn chính trị của Anh là chắt ra từ tế bào của bộ não gắn chặt với quê hương đất nước của Anh, từ những giọt máu đỏ tươi thuần Việt trong trái tim nhạy cảm của anh. Anh kêu gọi: xin chớ ươn hèn, bạc nhược !

Bộ chính trị toàn trị rất có lý (cái lý sự cùn của họ) khi coi 20 bài luận văn ấy là nguy hiểm, là phản động (!), là phạm pháp (!), là chết người (người nào ?), cần lên án gấp.

Nhóm lãnh đạo thêm cay cú khi thấy Lê Công Định sớm sủa ký tên vào Kiến nghị ngừng ngay việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên, hoà mình ngay với 135 trí thức tinh hoa tiên phong của dân tộc. "Kiến nghị hơn 2 ngàn" và mạng "Bauxite Việt nam.Info" đang đột phá thẳng vào trung tâm chế độ đang rữa nát.

Họ càng thêm cay cú khi Lê Công Định tỏ ý thảo đơn kiện nhóm lãnh đạo Bắc Kinh ra trước Tòa án quốc tế về việc họ ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận Việt Nam. Bộ chính trị bẽ mặt quá, vì họ chỉ dám "giao thiệp" với phía Trung Quốc về chuyện này. Họ không dám "phản đối", còn lâu mới dám viết công hàm "lên án" hành động mất dạy, cướp biển, vi phạm công pháp quốc tế ấy. Bài học yêu nước của anh luật sư trẻ làm cho họ cảm thấy nhục, làm họ bẽ mặt không chịu nổi, thế là họ nổi cáu, trả thù.

Cả một bộ máy đồ sộ hùng hổ chống một con người tay không tấc sắt. Nó có thể nghiền nát một con người ư? Xưa kia đó là chuyện thường. Nhưng thời thế đã thay đổi nhiều rồi.

Bởi vì, dưới con mắt quang minh chính đại của người lương thiện, theo quyền lợi chính đáng của nhân dân và đất nước, theo luật pháp của thế giới văn minh, trên lập trường yêu nước, anh Lê Công Định không có một chút xíu gì là phạm pháp hết; ngược lại, anh là một thanh niên tiên tiến, một luật sư dũng cảm, có trách nhiệm với quê hương đất nước, một tinh hoa hiếm có của dân tộc Việt Nam. Anh am hiểu luật pháp đông, tây, kim, cổ. Anh tìm hiểu kỹ hiến pháp và luật pháp. Anh vận dụng nhuần nhuyễn luật pháp, tinh thần của nó; anh hiểu có các cách giải thích khác nhau; anh thừa hiểu cung cách nguỵ biện, cãi xoá, nói lấy được, lý sự cùn của cộng sản.

Anh Lê Công Định chỉ mong sớm được đưa ra một phiên toà xét xử công khai, có luật sư, có đồng bào mình, có đại diện các ngành truyền thông quốc tế và các nhà ngoại giao.

Anh thừa sức bẻ gãy cho nát vụn mọi buộc tội và kết án.

Anh thừa sức để chỉ ra rằng 2 viên tướng kết tội anh đã rành rành phạm pháp, khi vụ án chưa khởi tố, khi còn trong thời điểm điều tra, đã tương ra công khai tất cả chi tiết (chưa được tòa xác minh, đánh giá) , lạm dụng quyền của ngành tư pháp. Ai cũng biết, một bị cáo chỉ bị coi là có tội sau khi có lời tuyên án của chánh án trước toà.

Anh thừa sức để chứng minh rằng trình tự xét xử một vụ án theo đúng những điều khoản của bộ luật hình sự đã bị vi phạm nặng nề. Có thể là vì Bộ chính trị quá nôn nóng để bịt mồm anh, "tiêu diệt" anh vì thâm thù anh; cũng là để sớm tâng công với quan thầy Bắc kinh của họ, làm yên lòng Hồ Cẩm Đào; hoặc có thể là do lệnh trực tiếp từ Bắc kinh, do đích thân uỷ viên bộ chính trị đảng CS TQ, Trưởng ban tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều đưa sang, "truyền lệnh" thẳng cho ông tổng họ Nông [ xưa nay trưởng ban tổ chức TW chỉ lo về nhân sự của đảng mình; không có việc gì liên quan đến đảng khác cả. Lần này họ Lý đến Hànội hôm trước thì hôm sau anh Định bị bắt (!). Sao ngẫu nhiên kỳ vậy! ].

Nếu ra toà công khai, anh Định chỉ cần nói một câu: Hiến pháp Việt Nam có nêu rõ quyền công dân được tự do tư tưởng và tự do lập hội hay không? Tôi chỉ thực hiện 2 quyền hiến định ấy. Mọi điều luật trái với hiến pháp đều là vi hiến, là phi pháp!

Tất cả những người Việt Nam có chung một tần số yêu nước, thương dân với anh Định, có chung lập trường dân chủ đa nguyên, theo cung cách không bạo động, có chung một chí khí bảo vệ đến cùng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chống mọi mưu đồ bành trướng và nô dịch, hãy chung một đòi hỏi: đưa luật sư Lê Công Định ra xét xử sớm nhất trong một phiên toà công khai minh bạch, đàng hoàng, có quan sát quốc tế.

Không làm như thế, bộ chính trị, chính phủ, nền tư pháp của chế độ hiện hành rõ ràng là đuối lý, sợ ánh sáng của sự thật, của công lý, và phải trả lại tự do không chậm trễ cho người thanh niên tuấn tú Lê Công Định mà hiểu biết, nhân cách, nghị lực và lòng yêu nước, yêu tự do, trọng luật pháp đã tỏ ra vượt xa, rất xa 15 vị tự dành toàn quyền cai trị đất nước một cách tuỳ tiện và phi pháp, vì bị "đặc quyền" và "tiền bẩn" làm cho mê muội và mù quáng.

Không làm như thế, 15 uỷ viên bộ chính trị sẽ như luôn đứng trước vành móng ngựa của công luận trong "vụ án Lê Công Định", rồi đến vụ án "bauxít Tây Nguyên", dẫn đến vụ án "không bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc" nữa.

Bùi Tín
Paris 26-6-2009

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Về anh luật sư trẻ Lê Công Định




Tôi ngắm ảnh anh. Tôi xem tướng anh. Tôi đọc tiểu sử anh. Tôi đọc tin tức tới tấp về anh. Tôi xem lại 7 bài viết mang tính chất luận văn của anh. Tôi suy nghĩ về anh. Qua đôi kính cận, đôi mắt anh sáng, thẳng, cương nghị. Nét mặt anh có chiều sâu của suy tư, điềm tĩnh.

Những bài viết của anh rõ ràng, mạch lạc, thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, truyền cảm. Tôi đã đọc bài anh viết trên báo Tia Sáng, Pháp luật, Tuổi Trẻ, cả Nhân dân nữa.

Tôi không thấy cần nhận xét thêm về anh. Những đánh giá người biết anh, quen anh, hiểu anh ở trong nước là quá đủ. Cũng chẳng cần nhắc lại cái "tâm" và cái "tầm" trong các luận văn của anh. Văn là người.

Bác Trần Lâm, luật sư già dặn, từng là thẩm phán toà án tối cao, nay tham gia đấu tranh cho dân chủ, không dễ tính khi xét người, đánh giá Lê Công Định được trọng nể, học vấn cao, có tâm sáng, dễ gì mà được chọn làm phó chủ nhiệm đoàn luật sư Sàigòn. Anh từng tình nguyện cãi miễn phí cho các bạn luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, nhà báo Điếu Cày, với giọng ôn tồn mà sâu sắc, chặy chẽ.

Thế giới từng biết anh. Anh nghiên cứu luật ở Pháp, ở Mỹ, tham gia những hội luận về luật. Anh bị bắt, các chính phủ, bộ ngoại giao, các đại sứ, các tổ chức nhân quyền quốc tế ... các nước lên tiếng ngay, mạnh mẽ, dứt khoát.

Ai cũng hiểu, chế độ độc đảng tuy lâu nay ba hoa về luật pháp, về nhân quyền, về bản chất là dị ứng với luật pháp, là đối lập thù địch giới luật sư.
Não trạng của nhóm lãnh đạo CS từng đóng cửa trường đại học luật từ năm 1945 đến năm 1974, từng xóa diệt thẳng tay chức vị luật sư, với những toà án nhân dân không luật sư, do bộ chính trị và các đảng uỷ quyết định mức án, từng xử tử hình hàng vạn lương dân trong cải cách ruộng đất, và bỏ tù hàng chục vạn đồng bào ta qua "cải tạo"... cái não trạng hủ lậu dã man ấy cho đến nay vẫn không hề đổi thay và tỉnh ngộ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tốt nghiệp tiến sỹ luật ở Paris khi 23 tuổi, chỉ vì được mời lên tiếng nhận xét tình trạng lạc hậu về pháp lý trong cải cách ruộng đất, đã bị bộ chính trị đày đoạ cho đến chết (lột hết chức : uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận, hiệu trưởng Đại học, giáo sư, cấm dạy tiếng Pháp ...)

Gần đây, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân đã bị tù; bà luật sư Bùi Thi Kim Thành bị ép vào viện tâm thần. Luật sư Lê Trần Luật bị đe doạ và quấy nhiễu. Họ toàn là luật sư do trong nước đào tạo.

Luật sư trẻ Lê Công Định bị Công an chế độ chiếu tướng, theo dõi giám sát chặt 2 năm nay vì nhiều lẽ. Anh học giỏi; anh am hiểu luật, cả kim cổ, đông tây. Anh thông minh, tài trí. Anh có tư duy độc lập. Anh có nhân cách. Anh có lòng thương dân mình, yêu nước mình. Anh động lòng về các hiệp định bất bình đẳng Việt-Trung; anh sớm ký tên vào kiến nghị ngừng ngay việc khai thác bôxít. Anh ca ngợi Hào khí Diên Hồng; anh cổ vũ bà con ta, nhất là tuổi trẻ đừng nhu nhược, bạc nhược.

Anh là của hiếm; là vốn quý của dân tộc, anh là "vàng ròng " của tương lai Việt Nam.

Công An Cộng sản điểm mặt anh, thâm thù anh, "khẩn cấp" bắt anh vì những lẽ trên, vì quá nhiều lý do như thế, lại còn vì anh sắp viết một bài
tố cáo, hay một lá đơn gửi Liên Hợp Quốc hay Toà Án quốc tế khởi kiện nhà cầm quyền Bắc kinh cấm ngư dân Việt nam không được đánh cá trong vùng biển của Việt nam. Bẽ mặt ông thủ tướng, bẽ mặt bộ trưởng ngoại giao, bẽ mặt và chạm nọc 15 uỷ viên bộ chính trị.

Cho nên 2 viên tướng an ninh phải xuất hiện để mở đầu vụ án.
Cho nên mọi món chưởng độc nhất, thâm nhất sẽ còn được họ đưa ra thi thố với anh. Anh đã biết từ sớm.
Cho nên họ bầy trò kết tội anh âm mưu lật đổ chế độ trước cả khi khởi tố.
Cho nên họ bày chuyện anh nhanh nhẩu "thú nhận mọi tội lỗi" và "xin được khoan hồng".
Cho nên họ cố tạo ra hình dung một con người khác, mềm yếu, ươn hèn, nhũn như con chi chi.

Còn lạ gì công an mật vụ của những chế độ độc quyền đảng trị, thù ghét những con người quang minh chính trực, nhất là khi đảng cầm quyền toàn trị tha hoá, suy đồi đến độ ''nơi nơi uất hận, khắp chốn kêu than" như hiện nay. Họ dở đủ ngón của bọn Hitler, Goebel, của Gestapo, của bọn Mật vụ Nga, Stasi Đông Đức, được thụ huấn trực tiếp và học lỏm, còn hợp tác cả với bọn xã hội đen kiểu Mafia mới để trị những Lê Công Định.

Xin chớ ai quá lo, quá sợ cho số phận của luật sư Định. Cuộc đọ sức tưởng như quá ư chênh lệch. Một con người có tim và óc đầy chất người tinh khiết chống lại cả một bộ máy, súng đạn, nhà tù, quyền lực vũ phu,
nhưng con người ấy có chính nghĩa dân tộc, có lẽ phải làm chỗ dựa vững, có nhân dân hậu thuẫn, có pháp luật quốc tế và thời đại hỗ trợ.

Luật pháp ghi rõ mọi khai báo, thú nhận của bị cáo khi bị ép cung, mớm cung, trong doạ nạt, bạo lực hay qua dụ dỗ mua chuộc lộ liễu cũng như tinh vi ... đều không có giá trị pháp lý.

Chính phủ Mỹ đã quyết định "quên", coi như "không có" những lời thú nhận của mấy chục phi công tù binh Mỹ ở Hilton Hànoi là đã gây tội ác chống nhân loại ở Bắc Việt, khi họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị dử mồi là thú nhận thì được tháo cùm, được nhận quà, thư, ảnh của bố, mẹ, vợ con...

Tôi còn nhớ rõ vụ ông Võ Đại Tôn hồi năm 1982 thú nhận hết tội lỗi, còn đóng kịch xuất sắc, lừa bộ trưởng công an Phạm Hùng và các thứ trưởng, vụ trưởng an ninh, để được ra mắt các phóng viên quốc tế Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Đức ... để lúc ấy mới đột nhiên lên án chế độ toàn trị Cộng sản, giữa sự tưng hửng, bàng hoàng của bộ xậu an ninh.

Tôi tin ở con người. Tôi tin ở tuổi trẻ trong thời đại mới. Tôi tin ở dân tộc mình. Cho nên tôi lạc quan, tuy bao giờ cũng thận trọng, không lạc quan tếu. Ta hay yên lòng chờ ...

Vụ án Lê Công Định còn dài. Cuộc đấu tranh còn dài. Nhiều Lê Công Định nữa sẽ xuất hiện, trong 4.400 luật sư đang hành nghề và hàng ngàn sinh viên luật đang được đào tạo.

Tôi biết rõ một số em đang học luật đã viết bài luận văn tuyệt vời bác bỏ Luật đất đai và Luật báo chí hiện tại, mà các em cho là "phản động " thật sự, vì kìm hãm sự phát triển của xã hội ta.

Hậu sinh thật khả uý vậy.

Paris 21-6-2009.
Bùi Tín

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Đâu là chân tướng thực trong vụ bắt LS Lê Công Định


Vụ bắt LS Lê Công Định quả là gây "sốc" lớn cho giới trí thức VN, như lời của một người đồng nhiệm với LS trên BBC


Sốc vì LS Lê Công Định là người có tiếng tăm, có học thức trong xã hội, chưa hề bị răn đe về các hành động khiêu khích chính quyền, và chưa hề có hành động nào lộ rõ là chống đối chính quyền, ngoài các phản ứng thông thường về các sự kiện bất bình trong xã hội. Có thể nói, LS Lê Công Định có đến 8, 9 phần giống như mọi trí thức trẻ khác, mang tinh thần cấp tiến, yêu nước, yêu chuộng công lý và tự do, - Hay nói cách khác, LS Lê Công Định là hình mẫu thành đạt của thanh niên Việt Nam ngày nay, là kiểu mẫu thế hệ trẻ mà giới trí thức mong muốn để chấn hưng đất nước.


Vậy tại sao LS Lê Công Định bị bắt - với lời buộc tội to đùng là "âm mưu lật đổ chế độ" nhưng chỉ bị bắt một mình, với những hồ sơ giấy tở thể hiện quan điểm riêng, không cổ võ bạo lực, chưa được phát tán, và thực sự không thể có hại gì đến an ninh quốc gia?


Hiển nhiên, ngoài các nhân vật chóp bu ra, không ai có thể biết được chân tướng thực sự của vụ bắt bớ này. Tuy nhiên, đây lại là điểm chúng ta, thế hệ trẻ tiến bộ, cần biết nhất, để có thêm sự hiểu biết về đất nước mà chúng ta đang sinh sống, để thấy được những việc từng cá nhân sẽ phải làm giúp đất nước vượt qua các khó khăn, tiến lên con đường văn minh, dân chủ.


Với vị trí người ngoài cuộc, tôi chỉ có thể đưa ra các suy luận của mình dựa trên các thông tin có được và kinh nghiệm sống. Hy vọng các bạn ở các vị trí thuận lợi khác sẽ cung cấp thêm thông tin để ta cùng thấu hiểu chân tướng thực của vụ bắt người rất đáng quan tâm - này.

--------------------------------------------------


Theo lô gích thông thường của bên An Ninh thì chưa đến mức phải tiến hành bắt khẩn cấp LS Lê Công Định, vì nguy cơ với an ninh quốc gia chưa thể hiện rõ ràng. Tất cả những chứng cứ đưa ra chỉ là tài liệu, quan điểm đấu tranh ôn hòa, dựa trên lý lẽ, dù không có lợi cho chính thể hiện nay, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, và do đó không thể có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thời điểm bắt cũng rất phi lô gích khi Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa trên biển, Quốc Hội và Chính Phủ thì đang nóng lên về các chính sách và vấn đề điều hành phát triển kinh tế, với các ý kiến nhiều chiều.

Nếu thực sự nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bên An Ninh cần tìm cách giảm bớt xung đột chính trị xã hội trong nước, để tăng cường đòan kết, ổn định tinh thần tư tưởng nhân dân lao động và giới trí thức.

Nếu thực sự LS Lê Công Định là đối tượng quá nguy hiểm với an ninh quốc gia, vì sự ổn định xã hội, bên An Ninh có thể cô lập đối tượng này thông qua việc giám sát chặt hơn các đối tượng “tay chân” có ít tên tuổi xã hội hơn. Đồng thời, thông qua hệ thống truyền thông, từng bước hạ thấp uy tín xã hội và chuyên môn của LS Lê Công Định để việc bắt người không gây sốc nhiều cho dư luận, như trường hợp của Cha Lý.


Với những lời buộc tội nghiêm trọng “tổ chức lật đổ chế độ vào năm 2010”, thì việc chỉ bắt được mình LS Lê Công Định với một số tài liệu kêu gọi đấu tranh dân chủ bất bạo động là rất không tương xứng. Thông thường, bên An Ninh sẽ kiên nhẫn chờ lâu hơn một chút, để ra tay bắt luôn một mẻ lưới lớn khi các lãnh tụ của phong trào bắt đầu gặp gỡ và xúc tiến các công việc cụ thể. Ít nhất việc đó giúp họ luận tội rõ ràng hơn, chưng ra được chứng cứ cụ thể hơn, và giúp họ có thành tích to tát hơn.

Trong mối quan hệ với quốc tế, Việt Nam thừa biết rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ thường là chủ đề bị công kích nhiều nhất, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Để hình ảnh đất nước tốt hơn, quan hệ làm ăn đỡ có vấn đề, đương nhiên phải hạn chế tối đa những hành động có thể bị thế giới coi là vi phạm nhân quyền và dân chủ. Bắt đột ngột (khẩn cấp) một LS trẻ, tài năng, có tiếng trong các vụ bảo vệ nhân quyền và dân chủ, với các lý do mơ hồ, là một việc làm không thể tồi hơn để bôi nhọ thành tích nhân quyền và dân chủ của Việt Nam, trong một thời điểm Việt Nam cần nó hơn bao giờ hết.


Với nhiều điểm bất thường như vậy, có thể sơ bộ kết luận rằng vụ bắt LS Lê Công Định không xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tính cấp thiết của sự việc. Vụ bắt này cũng hòan tòan không phản ánh quan điểm bảo vệ an ninh truyền thống của Đảng và Nhà Nước trong tình hình mới, vốn đề cao ổn định xã hội và chỉ tiến hành bắt khi đó là cách duy nhất để duy trì trật tự và ổn định xã hội.


Hiện tượng trên nghiêng về giả thuyết rằng việc bắt LS Lê Công Định là phản ứng của một nhóm lợi ích đang thâu tóm một số quyền trong trong nội bộ Đảng và Nhà Nước, nhằm cứu vãn những kế họach của họ hiện đang bị trào lưu phát triển của xã hội đe dọa.


Thông qua việc bắt LS Lê Công Định với lời buộc tội hàm hồ về “một kế họach lật đổ chính quyền vào năm 2010” nhóm này muốn đánh tiếng với giới đương chức về nguy cơ có thực của “diễn biến hòa bình” như là mối nguy cơ chung để họ giảm bớt nhiệt tình đấu tranh, cải cách, châm chước cho các sai phạm của nhau, gia tăng đòan kết nội bộ. Có lẽ các Đại biểu Quốc Hội là những đối tượng chính của thông điệp này. Mặt khác, như là một lô gích của sự phòng vệ, sự kiện này sẽ giúp bên An Ninh sự chính danh để can thiệp sâu hơn, mạnh hơn tới các tư tưởng cáo buộc lãnh tụ, Đảng, Nhà Nước, dưới danh nghĩa bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia. Các chỉ trích về vụ bê bối Bô xít, tham nhũng, năng lực điều hành, tham nhũng, … vì thế sẽ giảm đi.


Khi việc bắt LS Lê Công Định gây sự phẫn nộ ở các nước dân chủ Phương Tây (chắc chắn không thể không tạo ra sự phẫn nộ), điều này có nghĩa rằng Việt Nam đang tách xa dần quỹ đạo Phương Tây. Muốn lại gần Trung Quốc hơn, không có việc gì tốt hơn là có xung đột với Phương Tây.

Vụ bắt LS Lê Công Định đang được sử dụng như một công cụ để minh chứng cho các quan chức sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình”, quan điểm luôn “thù địch” và “chống đối” của các nước Phương Tây với Việt Nam – vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ trong tương lai không xa (2010).

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng giữa sự lựa chọn: một là ngả theo Trung Quốc gần để tránh đối đầu và giữ yên chế độ; hai là thúc đẩy cải cách phát triển theo các tiêu chí văn minh phương Tây và thế giới, nhưng với nguy cơ sụp đổ chế độ; - thông điệp mà vụ bắt LS Lê Công Định thực sự rất có ý nghĩa trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.


Tuy nhiên, khi tiến hành khống chế xã hội trên tư duy lợi ích nhóm, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ làm xã hội, nhất là giới trí thức, thêm “sốc”, suy giảm niềm tin, hoang mang hơn, về các giá trị đạo đức tinh thần thực sự mà chế độ này đang hướng tới. Cùng với những vụ đình đám như PMU 18, tham nhũng vốn FDI, Bô xít Tây Nguyên, bắt phóng viên đưa tin, vụ Công Giáo, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ càng làm lộ rõ hơn những mặt thối nát của chính quyền hiện tại.

Có thể nói, vụ bắt LS Lê Công Định, vì toan tính nhỏ hẹp trên tư duy lợi ích nhóm, không vì lợi ích quốc gia, đang gây chia rẽ xã hội và đẩy giới trí thức Việt Nam ra xa chính quyền hơn lúc nào hết. Nếu nhân cơ hội này giới trí thức ra tăng đấu tranh để tạo thêm nhiều vụ bắt bớ nữa thì có thể nhân gấp bội sự bất bình của xã hội, mào đầu cho các thay đổi tích cực theo hướng tôn trọng sự thật, nhân quyền.
....................................................................................................Bài viết của Văn Minh


Bài viết trên cho thấy nhà cầm quyền Việt nam đang rời xa phương Tây để đến gần Trung Quốc qua việc bắt giữ LS Lê Công Định, thế nên chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi đọc bài viết sau trên blog Người Buôn Gió:


Sự trùng hợp ngẫu nhiên ?


Sau khi TBT Nông Đức Mạnh cam kết với ông Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCS Trung Quốc Lý Nguyên Triều sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Ngay sau đó Việt Nam bắt giữ Ls Lê Công Định.

Ngoài những tin mà từ ông Vũ Hải Triều đưa ra với báo chí, còn có nguồn tin từ phía LS Lê Quốc Quân nói LS Lê Công Định đang chuẩn bị tài liệu để bác bỏ hành động ngang ngược xâm phạm lãnh hải của Việt Nam của Trung Quốc và dự định khởi kiện việc này ra tòa quốc tế .


Chương trình kỷ niệm 1000 Thăng Long tới đây tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1-10-2010. Trùng với ngày Quốc Khánh của Trung Quốc.


Theo sử ghi thì tháng 7 năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô về Hoa Lư.


Được biết năm 2010 còn là năm kỷ niệm trọng đại tình hữu nghị Việt - Trung.

--------------------------------------


Đây cũng là lý do chính để nhà cầm quyền Việt nam bắt khẩn cấp LS Lê Công Định vào thời điểm này.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Hoa Kỳ kêu gọi VN trả tự do cho luật sư Lê Công Ðịnh




Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa lên tiếng về việc bắt giữ luật sư Lê Công Định





Chiều ngày thứ Hai, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Ian Kelly ra thông cáo nói rằng Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc trước sự kiện nhà chức trách Việt Nam bắt giam ông Lê Công Định hôm thứ bảy, và buộc ông vào tội 'tuyên truyền chống nhà nước.'

Các quan chức Việt Nam nói rằng ông Định bị bắt vì bênh vực các nhà hoạt động đòi dân chủ và đã sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của mình.

Luật sư Lê Công Định là một thành viên được kính trọng của cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, ông đã tham gia chương trình Fulbright của Hoa Kỳ.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: không thể bắt giam một người nào đó vì người này bày tỏ quyền tự do phát biểu, và không thể trừng phạt một luật sư vì người này đã chọn thân chủ nào để biện hộ.

Cuối cùng thông cáo cho biết: việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định đã đi ngược với cam kết của chính phủ Việt Nam là sẽ tuân thủ các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận liên quan đến nhân quyền và chế độ pháp quyền.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Định cũng như tất cả các tù nhân khác đang còn bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
(Bài phỏng dịch của VOA)




Tổ chức Phóng viên không biên giới yêu cầu trả tự do cho luật sư Lê Công Định

Ngày 15 tháng sáu năm 2009






Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã kêu gọi nhà chức trách Việt Nam nhanh chóng trả tự do cho luật sư Lê Công Định, tác giả nhiều bài viết về dân chủ, và là nhà tranh đấu cho nhân quyền có tiếng tăm. Là người bảo vệ cho nhiều blogger và nhiều nhà tranh đấu cho tự do ngôn luận, ông có nguy cơ chịu án tù vì những bài viết và bình luận của mình đăng tải trên báo chí và internet.

Tổ chức này khẳng định: "Trong một quốc gia pháp quyền, một luật sư phải được tự do trình bày các sự kiện trước tòa án và báo chí để bảo vệ thân chủ của mình. Chúng tôi lo ngại rằng việc bắt giữ này là nhằm trừng phạt một người ủng hộ đáng kính phục cho nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Sau khi đã đe dọa các nhà báo đòi tự do báo chí cũng như giới Công giáo, bây giờ chính quyền lại tấn công các luật sư, thánh lũy cuối cùng bảo vệ các quyền tự do".

Ngày 13 tháng sáu năm 2009, công an đã bắt giữ ông Lê Công Định với lý do "âm mưu lật đổ chính quyền". Theo các nhà báo Việt Nam được RSF phỏng vấn, ông Lê Công Định không tham gia chính trị, nhưng thường xuyên viết những bài báo về vấn đề nhân quyền đăng trên Internet cũng như trên các báo chí Việt Nam.

Theo nhiều nguồn tin, việc bắt giữ này có thể liên quan đến việc một số luật sư Việt Nam đệ đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc trao quyền khai thác mỏ bauxite cho một công ty Trung Quốc. Việc này đã gây xôn xao lớn trong dư luận ở Việt Nam.

Công an tuyên bố với báo chí rằng ông Lê Công Định bị truy tố theo điều 88 bộ luật hình sự, trừng phạt tội tuyên truyền chống nhà nước. Luật sư bị quy kết đã lợi dụng các vụ kiện của một số thân chủ để chống phá nhà nước và "liên lạc với phản động trong và ngoài nước nhằm phá hoại nhà nước Việt Nam".

Trước báo giới trong nước, phó tổng cục trưởng tổng cục an ninh Vũ Hải Triều đã khẳng định việc thu giữ nhiều "tài liệu, chứng cứ âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam".

Ông Lê Công Định, 41 tuổi, đã bào chữa cho các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng như cho blogger nổi tiếng Điếu Cày.

Bài dịch của Mai Chi Nhat