Giáo sư toán học Hoàng Tụy đã gây tranh luận khi có bài viết, trong đó ông nói phần lớn những trí thức Việt Nam đào tạo ở Liên Xô và các nước XHCN cũ 'thiếu căn bản về văn hóa phổ quát'.
Trong bài "Để có lớp trí thức xứng đáng", đăng ở tạp chí Tia Sáng tháng 12.2008 , ông Hoàng Tụy nhận xét tư duy của lớp người này "chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm".
'Tụt hậu, ru ngủ mình'
"Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật."
Ông Hoàng Tụy nhận xét: "Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức VN. Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ."
Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng Liên Xô, trong thời gian tồn tại, đã đào tạo cho Việt Nam hơn 30.000 người trình độ đại học, và hơn ba ngàn tiến sĩ.
Phần lớn số này sau đó trở thành lớp trí thức "tinh hoa" của Việt Nam, và nhiều người còn giữ các vị trí lãnh đạo tới hôm nay.
Nhưng GS. Hoàng Tụy, người bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Đại học Lomonosov của Nga năm 1959, thắc mắc:
"Các thế hệ trí thức được đào tạo sau này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ một cách bài bản, lớn lên trong nền giáo dục thấm nhuần lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp, hằng ngày được gián tiếp hay trực tiếp bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, ghét bóc lột, xả thân vì dân vì nước... mà sao có vẻ như phẩm chất không được như ta kỳ vọng."
Ông tỏ vẻ luyến tiếc lớp trí thức thời kỳ thuộc địa trước 1945: "Nền giáo dục, văn hóa Pháp mà thế hệ trí thức tiền bối 30-45 đã được hưởng thật sự là một nền giáo dục tiên tiến thời đó".
Quý vị nghĩ gì về những nhận định của GS. Hoàng Tụy nói riêng và về giới trí thức Việt Nam hiện nay? Có thể đặt hy vọng gì ở những người trí thức, đặc biệt là lớp trẻ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét