Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Chuyến xe quê















Câu chuyện xảy ra đã lâu, và là một chuyện kinh khủng. Theo một nghiên cứu sinh lý thần kinh đăng tải trên tạp chí Sciences khoảng mươi năm trước, thì những chuyện khủng khiếp theo thời gian có xu hướng bị gột bỏ khỏi trí nhớ và những điều vui vẻ ngọt ngào thì thường đọng lại lâu hơn. Âu đó cũng là một cách tự vệ của hệ thần kinh con người, nếu không những ký ức mang mãi đau buồn sẽ bị tổn thường và thải loại như một cách của chọn lọc tự nhiên. Câu chuyện của tôi là một ngoại lệ, trơ lỳ với thời gian, nó vẫn mồn một…


Lần đó tôi cùng hai chú học trò đang làm luận án tốt nghiệp nhằm một trạm y tế trên biên giới Việt-Lào mà xe đò thẳng tiến. Chúng tôi rời thủ phủ Sơn la vào khoảng 4h sáng. Tại bến xe trung tâm, ngoài ánh sáng đỏ đọc của một vài ngọn điện của phòng bán vé, đám chủ xe đốt thêm những chiếc lốp ôtô hỏng. Chúng cháy ngòn ngụt, đen ngòm quyện vào màn sương sớm năng hạt, đen mờ của vùng sơn cước tạo cảm giác âm u ghê người. Chiếc xe chở chúng tôi là một chiếc cũi sắt mang nhãn hiệu Ba Đình, nhằm hướng Mường Hum lao tới. Khung sắt được gắn trên một cái khung máy xe IFA “chuồn” thời Đông Đức xuất sang Việt nam. Nó sóc ghê gớm và nổ ầm ầm. Nhà xe bắt khách liên tục từ khi rời bến, tới lúc trời sáng rõ thì khoảng hơn sáu chục người đã được lèn lên xe. Đến ngoại vi Sơn la, nhà xe dừng lại, bên kia đường bên chiếc xe U-oat cảnh sát, có hai chú đang chờ. Phụ xe nhanh như cắt lấy giấy tờ xe, mở mớ tiền vé vừa thu xong, nhón hai tờ 50 nghìn kẹp vào trong và chạy sang đường. Trong nháy mắt, hắn quay lại, chiếc xe lại khởi hành. Tôi nhìn về phía cabin, hai bên kính dán chi chít những giấy chứng nhận, bằng khen chấp hành tốt luật giao thông… Nhiều tới mức tôi chợt bật cười khi nghĩ rằng bọn cảnh sát mỗi lần sau khi “làm luật” lại chìa ra cho tay phụ xe cái chứng chỉ và đem về dán trên kính cabin.


Lúc đầu cảm giác ngột ngạt trong xe chưa rõ ràng, nhờ cái lạnh vùng sơn cước nhưng tới 8h sáng thì bắt đầu sặc mùi người. Lúc đó chiếc xe đã tiến sâu 20-30km vào con đường rừng độc đạo. Xe phóng như điên giữa rừng xanh, núi đỏ bạt ngàn nên bớt đi sự oi ả và hôi hám. Bản thân đã quá quen với những kiểu hành trình như vậy nên tôi nháy hai chú sinh viên dựa vào thành xe tranh thủ chợp mắt. Thỉnh thoảng, qua những cái ổ voi, tôi mở mắt liếc ra ngoài. Những mảng màu xanh xen lẫn những đám lở loét của đất đá đang trụt lở do mất rừng trong một ánh sáng nhợt nhạt mùa đông thật là buồn tẻ.


Đột nhiên chiếc xe dừng lại. Chủ xe ra hiệu để mọi người xuống xe vượt đèo. Trước mắt bắt đầu hiện ra những thung lũng sâu hoắm và những rặng núi chạy ngút ngàn về xa. Đó là đất Lào. Quốc bộ được khoảng 300m thì đột nhiên bên rệ rừng hiện ra một đám khoảng 70-80 người với hành lý, gánh gồng xô ra nhập vào đoàn chúng tôi. Chưa kịp hiểu ra sao thì chiếc xe đã rồ gần đến đỉnh dốc. Đám hành khách cũ nhao lên xe chiếm giữ những bao tải, thùng, hòm của mình. Đột nhiên chiếc xe rồ ga như lấy đà, khi đến mé dốc phía bên kia nó dừng hẳn lại. Hai tên phụ xe nhẩy phắt xuống, chúng mở nốt chiếc cửa xe thứ hai và ra hiệu cho đám người kia chạy lại. Chúng nhồi người. Một không khí kinh khủng bắt đầu. Tiếng khóc thét của trẻ con, tiếng chửi bới tanh tưởi của những người đàn bà buôn chuyến bị giẫm đạp hay bị sờ sịt, nắn bóp. Bao tải, ba lô quăng huỳnh huỵch qua cửa sổ và cửa ra vào. Trên nóc xe ầm ầm tiếng hàng hoá và tiếng giẫm đạp của đám khách đàn ông như muốn “đạp chết” đám hành khách bên dưới… Nhưng ghê rợn hơn là sau một hồi nhồi nhét tàn bạo, những người trong xe hầu như quấn chặt vào nhau, đau đớn, rên xiết. Một số đông không còn sức nữa thì im lặng ậm ự cố chống lại sức đè của những kẻ bên cạnh. Trẻ con thì gào thảm thiết. Một số hành khách đặc biệt là nữ thì bắt đầu cảm thấy hoảng loạn vì có vẻ ngoài sức chịu đựng và tưởng tượng. Họ ngửa cổ lên hướng trần xe và gào thét, chửi bới tục tĩu, điên loạn. Qua lời chửi, thì tôi biết đây không phải là lần đầu tiên họ gặp trò đểu này. Chủ nhà xe này có hai chiếc xe, thằng em nó lái một chiếc. Khi tới giữa rừng, gần đỉnh đèo nó bảo là hỏng xe và đuổi mọi người xuống và chạy mất. Thằng anh nó sẽ đến sau khoảng nửa giờ và nhét toàn bộ đám khách lên chiếc cũi này. Ba thần trò tôi bị ép bẹp gí vào lỗ cửa sổ, không thể cựa được nữa. Mồ hôi chảy theo ống quần thành dòng xuống dưới chân. Tôi gào lên, cho chúng tôi xuống. Chẳng ai hưởng ứng và cũng chẳng ai giạt ra cả, vì đâu còn chỗ và họ cũng hết sức mất rồi. Hai thằng phụ nhét những người cuối cùng xong rút trong túi quần hai ổ khóa và khoá ngay cửa xe lại, chẳng để ý gì đến tiếng gào của tôi. Chiếc xe lồng lên. Thân nó vặn vẹo có lẽ vì số người và hành lí trên nóc đè xuống. Trong xe, sau mấy phút chạy hệ cơ của đám người trong xe hết trương lực, tất cả đè chặt vào nhau như mớ lươn. Khi chiếc xe bắt đầu vào vùng đèo dốc thì trời đổ mưa. Vì đầu bị đè gí vào thành cửa sổ nên tôi được mục kích chuyện gì bắt đầu xẩy ra. Con đường chúng tôi đang đi rất kinh khủng, nhựa đường hình như chỉ còn lác đác đâu đó ở sống đường. Những phần còn lại được vá víu bởi đá cấp phối. Rất nhiều chỗ đường đã lở tới mức nó còn nhỏ hơn khoảng cách giữa hai bánh xe, không hiểu sao mà chiếc xe không lật. Ở Đông Nam Á ít nơi có con đường như thế. Nhìn qua những chỗ lở đó, tôi có cảm giác mình đang chạy trên một bờ tường thẳng đứng. Một vài con trâu dưới đáy bờ vực chỉ nhỏ hơn chiếc đồng hồ trên cổ tay tôi đang ghì chặt vào thành cửa sổ. Trời mưa to hơn, nhiều hòn đá cỡ bàn tay hay bàn chân bên mép vực lở ào xuống dưới mỗi khi bánh chiếc xe chẹt qua. Chúng rơi biến, mất tích ngay. Bên mé ngoài thì mưa lạnh nhưng phía trong vẫn nóng hầm hập. Thằng chủ xe khốn kiếp vẫn cho phóng 50-70km/h. Chiếc xe nghiêng ngả, đám người bên trong rên rỉ. Nhiều người nôn lẫn lên người nhau vì không rạch ra được cửa sổ. Mắt liếc xuống vực, đột nhiên, một cảm giác căm giận ghê gớm, pha chút ghê sợ và kinh tởm dâng lên trong tôi. Tôi chợt nghĩ nếu lát nữa thôi, xe đổ hai thằng học trò ngoài đôi mươi của tôi có làm sao thì tôi có sống cũng đau khổ hết đời…Còn hơn một trăm hành khách kia nữa, mạng sống của họ phỏng có nghĩa gì đây trong tay bọn người này ? Còn cái thân tôi, lang thang tứ phương không chết giờ leo lên cái quan tài sắt này chẳng lẽ lại giỗ đầu ngày này năm sau ư !. Như có một cơn điên bốc lên man dại, tôi vòng tay qua hông rút con dao găm Mỹ luôn giắt trong người mỗi khi đi công tác xa chọc lên đỉnh đầu và gào lên “Đ. con mẹ thằng chủ xe khốn nạn kia, nếu cái xe này đổ xuống mà tao không chết thì thề rằng bất kể chúng mày còn sống hay là đã chết : Tao sẽ dùng con dao này cắt đứt đầu chúng mày ra khỏi thân để trả thù cho những người ở đây hôm nay”. Có lẽ lúc đó mắt tôi điên loạn ghê gớm nên hành khách xung quanh im bặt, thằng chủ xe và mấy thằng phụ cách tôi khoảng hai “mét người” cũng im không thấy phản ứng gì. Trong mắt những hành khách quanh tôi, tôi thấy có quá nhiều mệt mỏi và cam chịu, có chút gì đó thông cảm đồng tình và ngạc nhiên nữa. Nhưng họ im lặng. Hình như thằng lái có giảm tốc độ, không biết vì tôi gào thét hay vì mưa... Một lúc sau, hành khách gục lẫn vào nhau vì mệt. Cái xe chạy như một nhà mồ im lìm. Nhiều năm đã qua, nhiều khi nghĩ lại tôi không hiểu là vì sao mình có thể chửi bới man rợ, kinh khiếp và điên loạn như vậy trước mặt những học trò của mình. Chúng là những đứa quý mến nên đã xin theo tôi. Sau này khi có dịp gặp lại nhau, các cậu học trò xưa đã sắp xong Ph.D, một cậu bảo lúc ấy em cũng muốn giết nó.


Những tờ báo lá cải ở Việt nam đã tiết kiệm được một chỗ trong ngày hôm sau vì chuyến xe đó đã không lật. Thằng phụ xe mở khóa, đám người đổ ập ra ngoài. Phụ nữ, trẻ con rũ rượi như sắp chết. Ai còn tí mật nào thì nôn hết ra. Đám chó bản ngửi xong cũng ư ử chạy mất. Nắng lúc 1h trưa ở vùng giáp Lào này oi ả khiếp người.


Chiếc xe đỗ ngay ở một cửa quán cơm. Tất cả hành khách những người phải đi tiếp xa hơn đều phải vào đó ăn một cái gì hay uống cốc nước. Các quán khác đều cách đó rất xa ! Chúng tôi chọn một góc sâu trong sân quán ăn, ngẫu nhiên từ vị trí của chúng tôi trông thấy ba thằng nhà xe bước vào. Chủ quán giả lả mời chúng vào gian sảnh giữa, ngay lập tức một mâm đầy bia và thức ăn được bê ra. Tôi thỉnh thoảng quan sát chúng và thực sự muốn đoán biết diễn biến tâm lý của những “tạo vật” này. Kỳ lạ là sự khắc nghiệt của chuyến “hành xác” vừa qua có vẻ không lưu lại chút gì trên nét mặt của bọn người này. Chúng ăn uống hùng hục và bàn tán say xưa về một nhà thổ nào đó trong vùng. Trên khuôn mặt chúng, với những múi thịt đỏ phừng phừng, tất cả là một sự thỏa mãn tuyệt đối ! Tôi có tìm kiếm những nét nhọc nhằn mưu sinh nào đó để cắt nghĩa về cái giá của cuộc đời của những người chủ xe này, tiếc thay ít nhất với ba người bọn họ. Không thấy !

Tôi tự hỏi, chúng mãn nguyện vì sao ?

Vì thu được bộn tiền nhàu nhĩ, quyện chặt nước mắt và sinh mạng của đám đông lam lũ kia, để sau khi no say sẽ đến phần dưới rốn ?

Hay vì chúng khoái trá với cảm giác quyền lực khi bắt thiên hạ rúc cả vào một cái lồng sắt mà vẫn phải lụy chúng mà không dám ho he ?

Đơn giản hơn, hay chúng chỉ nghĩ rằng nếu có chuyện gì chúng sẽ nhẩy thoát ra ngoài vì ngồi trên cabin?

Chẳng lẽ vì những mâm bia tú ụ không mất tiền mà chúng sẵn sàng đưa cả trăm người vào chỗ chết như chơi, chắc gì chúng đã thoát ?

Vì tất cả những cái đó hay còn những gì nữa tôi không biết !


Đời cứ trôi qua, cứ mỗi lần vào chợ Bến Thành, vào viện Bạch Mai, hay Chợ Rẫy… khi mà vé gửi xe máy ghi 2 nghìn nhưng bọn trông xe đòi khách 4 ngàn tôi lại nhớ đến chuyến sang Lào. Có lần về qua bộ Đại học để lấy tấm bằng mà mình đã tốt nghiệp bao năm trước thì được trả lời gọn lỏn là chưa có chữ ký, Bộ trưởng đang họp !. Hài hước thay khi một thằng bạn đi cùng đã khéo léo “làm luật” thì nó lấy được tấm bằng có chữ ký của Trần Hồng Quân khi ông này đã vào hẳn ôtô. Tay công chức “mẫn cán” vừa đi còn vừa thổi tấm bằng để cho khô chữ ký. Lúc đó tôi cũng nhớ đến chuyến sang Lào… Tôi chợt hiểu rằng, chuyến xe đó tôi đã không thể quên được vì nó là hình ảnh chính xác thu nhỏ của đất nước của tôi. Chính xác đến từng ngóc ngách của xã hội Việt nam. Nơi mà cứ 10 người thì có đến 7 người là nông dân hay lao động phổ thông. Họ có một thứ quyền và nghĩa vụ “cao cả” duy nhất đó là đem máu đóng cho chiến tranh và khi hòa bình thì lại đóng những đồng tiền nhàu nhĩ đổi bằng cả sinh mạng và sức khỏe của mình để nuôi ba thằng còn lại. Trong đó có cả tôi !.


Có lẽ chừng nào 7 người kia chưa biết đòi lại tiền vé xe khi bị lừa đảo. Kiên quyết không trả thêm 2 nghìn tiền gửi xe thu ngoài giá ghi…thì chừng đó giá trị nhân phẩm còn là thứ xa xỉ trên mảnh đất này, đừng nói gì đến dân chủ và nhân quyền.


Và cũng chừng nào 3 “thằng” còn lại vẫn trực tiếp hay gián tiếp điềm nhiên để mọi thứ như thế tiếp diễn mà sinh tồn hay tư lợi, thì ba thằng này cũng là khốn nạn cả, cho dù cách biểu hiện có khác nhau. Ta mà đối xử với nhau như thế sao hy vọng kiếm chút kính trọng gì trong con mắt ngoại bang đây ? Dân tộc như thế sẽ là dân tộc của sự nô lệ.


Nỗi ám ảnh đè nặng khiến tôi muốn tự giải thoát bằng cách “làm khổ” cái bàn phím vô hồn. Lúc đang gõ trang đầu này cũng đúng vào ngày hàng ngàn bà con công giáo đi bộ từ Thái Hà vào Hà Đông. Tôi hồi hộp nghĩ rằng cuối cùng thì với đức tin vào lẽ phải và sự tử tế, họ đã đảm nhiệm sứ mạng đại diện cho 7 người kia ! Tôi tiếp tục từng chữ, từng chữ một, mỗi ngày mấy dòng. Khi đến những dòng cuối cùng, hôm qua có tin là 135 chữ ký phản đối Dự án Boxít đã được gửi đi. Họ là những đại diện tiêu biểu của nhóm 3 “thằng” còn lại, cho cả tôi nữa. Có cái gì đó nhỏ thôi nhưng oà lên trong tôi. Tôi thấy le lói chút đường ra dân tộc mình. Dứt khoát rồi, đó là con đường đúng đắn mà rồi cả dân tộc tôi sẽ đi tới, một dân tộc đau khổ thấm đẫm trong cả những huyền thoại.

Tùy bút của Quiteyoungguy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét