Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

Bào mòn uy tín truyền thông có giữ được “ổn định chính trị”? _Phần 2 và 3

Bài của Trân Văn

Bào mòn uy tín truyền thông có giữ được “ổn định chính trị”?_Phần 2

Trong bài trước, Trân Văn đã mô tả phương thức quản lý, điều hành hệ thống truyền thông ở Việt Nam. Để duy trì sự “ổn định chính trị” trong quá trình phát triển kinh tế, chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nắm chặt hệ thống truyền thông.

Trong đó có cả việc xử lý, kỷ luật khá nhiều nhà báo và cơ quan báo chí như một cách nhắc nhở về yêu cầu phải tuân phục. Thế nhưng sự tuân phục tuyệt đối của hệ thống truyền thông có tạo ra sự “ổn định chính trị” mà chính quyền mong muốn?

Vài năm gần đây, có khá nhiều trường hợp cho thấy, yêu cầu hệ thống truyền thông phải tuân phục tuyệt đối đã trở thành nguyên nhân đẩy chính quyền vào thế bị động, đồng thời tạo ra hàng loạt bất ổn về mặt chính trị. Trong đó, rõ nhất là vụ đòi lại Tòa Khâm sứ và mảnh đất thuộc Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội.

Kể từ năm 2007, những buổi đọc kinh, cầu nguyện kéo dài trước Tòa Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà của phía Công giáo, đã khiến chính quyền thực sự lo ngại. Do chính quyền không thể dùng vũ lực, cũng không thể thương thảo, hệ thống truyền thông bắt đầu công kích việc đòi lại tài sản, kể cả bôi nhọ Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, người đứng đầu Tổng giáo phận Hà Nội.

Vấp phải sự kháng cự mãnh liệt

Tuy nhiên, lần này, cách thức mà hệ thống truyền thông Việt Nam thường áp dụng, khi mở những “chiến dịch tuyên truyền”: Giới thiệu ý kiến của dân chúng, nhằm tạo ra cảm giác về sự đồng thuận của toàn xã hội, gây áp lực về mặt dư luận, khiến tất cả phải chuyển động theo hướng chính quyền muốn, đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của giới Công giáo Việt Nam. Các cuộc tấn công và phản công giữa hai bên, nhằm xác định sự thật, có tính chất như một cuộc chiến trên “mặt trận thông tin”…

Ngày 19 tháng 8 năm 2008, tờ Hà Nội Mới đăng bài “Chánh xứ và linh mục Thái Hà phải chịu trách nhiệm”, trong đó, dẫn ý kiến của ông Nguyễn Đức Thắng, được cho là “giáo dân giáo xứ Thạch Bích, ở huyện Thanh Oai”, với yêu cầu: “Xử lý nghiêm những hành vi sai trái ở Thái Hà”.

Ít ngày sau, các diễn đàn trên Internet công bố lời của linh mục Nguyễn Khắc Quế, Chánh xứ Thạch Bích, khẳng định: “Giáo xứ Thạch Bích chỉ có một giáo dân mang tên Nguyễn Đức Thắng nhưng ông đã chết cách nay vài năm”.

Ngày 29 tháng 8 năm 2008, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài: “Hành động của Giáo xứ Thái Hà gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người Công giáo” và kể rằng, linh mục Nguyễn Văn Khánh ở Giáo xứ Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, nhận định: “Mọi tổ chức, cá nhân đều phải đóng góp một phần công sức vì sự nghiệp chung”. Cũng theo Đài này, linh mục Khánh, tâm sự: “Chúng tôi đã xây dựng nhà thờ mới, tuy từng có những lấn cấn nhưng đều được địa phương giải quyết thỏa đáng, hợp lòng giáo dân”.

Vài ngày sau, Thông tấn xã Công giáo Việt Nam, đưa lên Internet lời của chính linh mục Nguyễn Văn Khánh. Ông phủ định: “Về vụ Thái Hà, tôi không có ý kiến nào phản đối… Ngay cả ở đây, nhà nước thu hồi đất mà có đền bù gì đâu. Giáo xứ Gia Nghĩa phải mua đất mới và đâu có bằng lòng về chuyện giải quyết đất của nhà thờ”.

Đối đầu với hệ thống truyền thông của chính quyền

Sau hàng loạt những sự kiện kiểu như vừa kể, ngày 12 tháng 9 năm 2008, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội gửi thông báo, công khai nhắc nhở mọi người “cảnh giác khi tiếp xúc với giới truyền thông” và “khôn ngoan khi đón nhận thông tin”, vì các tờ báo, đài phát thanh và đài truyền hình đã dàn dựng thông tin để lừa dối dư luận, chẳng hạn một cán bộ công an, giả danh giáo dân Giáo xứ Cần Kiệm, Giáo phận Hưng Hóa để phát biểu trên Đài Truyền hình Hà Nội, hoặc phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội cắt xén, ghép ý kiến của một giáo dân Giáo xứ Nam Dư, Tổng giáo phận Hà Nội cũng để bóp méo sự thật.

Khi thông tin đột nhiên trở nên đa chiều và toàn diện, những cơ quan báo chí tham gia “chiến dịch tuyên truyền” chống Thái Hà phải liên tục điều chỉnh, để thông tin gần với sự thật hơn.
Song một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhà văn Nguyễn Viện nêu cảm nhận:

“Với hệ thống Internet toàn cầu như hiện nay, chính quyền không thể tuyên truyền theo cách như ngày xưa, “một mình, một chợ” được nữa. Khi người ta có những thông tin khác để đối chiếu thì những lập luận, những thông tin của chính quyền theo kiểu như vậy chỉ tạo cho người ta sự thất vọng, hết sức thất vọng, bởi vì không sức mạnh nào bằng sức mạnh của sự thật.”

Ngày 15 tháng 9 năm 2008, tờ Công an nhân dân đăng bài “Giáo dân nói về những vi phạm ở Giáo xứ Thái Hà”. Trong bài, tờ báo dẫn ý kiến của ông Vũ Kim Mỹ, Giáo xứ Phát Vinh, tỉnh Ninh Bình, chỉ trích gay gắt việc đòi lại đất ở Thái Hà và nhấn mạnh: “Chúa không xui chúng ta làm việc đó mà chỉ có những kẻ mượn danh Chúa làm điều xấu”.

Ngay ngày hôm sau, những nhóm truyền thông tự phát lập tức tiếp cận và cho công bố một biên bản, ghi chép cuộc trao đổi của họ với chính ông Vũ Kim Mỹ, kèm chữ ký của ông. Ông Mỹ tiết lộ, ông hiện là thẩm phán của Tòa án huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khoảng đầu tháng 9, Công an Ninh Bình giới thiệu phóng viên gặp ông. Ông Mỹ được căn dặn đừng tiết lộ việc là thẩm phán vì họ chỉ muốn ông xuất hiện với tư cách giáo dân. Ông Mỹ khẳng định, khi trả lời phỏng vấn, ông không hề nói gì đến Thái Hà, không đòi xử lý nghiêm minh và không đề cập tới Chúa như báo Công an nhân dân viết!

Cuộc đối đầu giữa hệ thống truyền thông thuộc chính quyền với các nhóm truyền thông tự phát để bảo vệ sự thật, lên đến đỉnh điểm khi tám giáo dân tham gia đọc kinh, cầu nguyện đòi lại đất ở Thái Hà bị đưa ra xét xử.

Sau phiên xử sơ thẩm vào ngày 8 tháng 12 năm 2008, rất nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam cùng đưa tin rằng, các giáo dân là bị cáo trong vụ án này đã “cúi đầu nhận tội, xin khoan hồng”.

Song đúng hai tuần sau, hai trong tám bị cáo của vụ án nộp đơn khiếu nại, yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam và tờ Hà Nội Mới đính chính, vì họ có đủ bằng chứng để chứng minh họ chưa bao giờ “cúi đầu nhận tội, xin khoan hồng”.

Do hai cơ quan báo chí vừa kể không đính chính, cả hai bị cáo đã nộp đơn khởi kiện Đài Truyền hình Việt Nam và tờ Hà Nội Mới tại Tòa án, theo đúng các qui định pháp luật tại Việt Nam. Bà Ngô Thị Dung, một trong hai nguyên đơn kể:

“Chúng tôi khởi kiện vì tờ báo nói sai sự thật là tám bị can đã cúi đầu nhận tội nhưng chúng tôi đâu có nhận tội. Chúng tôi có sai trái gì đâu mà chúng tôi nhận tội.”

Không còn dám lừa dối sự thật

Tuy vụ kiện hai cơ quan truyền thông chưa được hệ thống Tòa án thụ lý vì nhiều lý do khó tin, song nó vẫn làm hệ thống truyền thông rúng động.

Chuyển biến tích cực nhất mà người ta có thể thấy sau đó là khi tường thuật tiếp về phiên xử phúc thẩm, diễn ra hôm 27 tháng 3 năm 2009, không còn cơ quan truyền thông nào ở Việt Nam tường thuật các bị cáo “cúi đầu nhận tội, xin khoan hồng” nữa.

Tờ Hà Nội Mới cho biết: “Các bị cáo liên tiếp kêu oan”. Tờ An Ninh Thủ Đô của Công an Hà Nội kể: “Tất cả đều cho rằng mình không phạm tội”. Còn báo điện tử VnExpress viết: “Các bị cáo cho rằng hành vi của họ là không sai, không vi phạm pháp luật. Tòa án sơ thẩm xét xử họ về những tội danh trên là không đúng”...

Trước đây, không thể tìm ra những nội dung như thế khi các cơ quan báo chí ở Việt Nam tường thuật về các vụ án mang màu sắc chính trị.

Quí vị vừa nghe Trân Văn tường thuật về những sự kiện cho thấy, trong vụ Thái Hà, yêu cầu hệ thống truyền thông phải tuân phục tuyệt đối đã đẩy chính quyền vào thế bị động, đồng thời tạo ra bất ổn về mặt chính trị như thế nào.





Bào mòn uy tín truyền thông có giữ được “ổn định chính trị”?_Phần 3

Trong hai bài trước, Trân Văn đã mô tả quan niệm cũng như cách chính quyền quản lý, sử dụng các cơ quan báo chí đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối, khiến chính quyền đau đầu.

Ở bài cuối của loạt bài này, Trân Văn sẽ tiếp tục trình bày những rắc rối khác đang gây ra đủ loại bất ổn vẫn do cung cách kiểm soát truyền thông để “ổn định chính trị”…

Tại Việt Nam, chính quan niệm và cách hành xử của chính quyền với hệ thống truyền thông đang bào mòn uy tín của các cơ quan báo chí.

Vào lúc này, có khá nhiều người cùng nghĩ như nhà văn Nguyễn Viện:


“Tôi nghĩ rằng niềm tin của công chúng vào báo chí trong nước rất giới hạn. Nó chỉ ở mức độ nhất định nào đó thôi vì xưa nay chúng ta đều biết báo chí buộc phải đi theo “lề phải” của nhà nước!”


Phong trào blog, trang thông tin điện tử cá nhân

Cũng vì vậy, công chúng, đặc biệt là trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên vừa tự đi tìm thông tin, vừa chủ động lựa chọn cách thức chia sẻ thông tin và suy tư của mình với mọi người. Đây là lý do khiến việc lập blog, cách gọi các trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, bùng phát thành phong trào.

Trong thời gian vừa qua, các blog đã tồn tại và phát triển như một hệ thống truyền thông độc lập, song hành với hệ thống truyền thông chính thức, vốn luôn bị buộc phải tuân thủ “định hướng” và “kỷ luật tuyên truyền” mà chính quyền đặt ra.

Tuy chính quyền đã cố gắng tái lập trật tự trong thông tin trên Internet, chẳng hạn như ban hành Thông tư số 07 vào cuối năm 2008, cấm lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những nơi có thông tin nguy hại cho chính quyền, thậm chí, khi trả lời báo chí về Thông tư 07, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Internet, còn “chú thích” thêm: “Chủ các blog phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những ý kiến của các blogger có ý kiến trong blog của mình” nhưng tất cả những nỗ lực đó đều thiếu hiệu quả.

Hệ thống blog vẫn là nơi có thể tìm thấy càng ngày càng nhiều thông tin, hình ảnh, suy nghĩ không bao giờ có trên hệ thống truyền thông được xem là chính thống. Thậm chí hệ thống blog còn có thêm sự góp mặt của khá nhiều blogger đang mang thẻ hành nghề do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phát.

Nhận định về tương quan, cũng như tác động giữa báo chí và blog, một nhà báo tên Trương Duy Nhất, kể trên blog của ông: “Hôm qua, một bạn đọc là sinh viên nhận xét, blogger Trương Duy Nhất hay ho, thú vị hơn... nhà báo Trương Duy Nhất! Nói thế thì khác gì mắng nhau!”. Cũng trên blog vừa dẫn, nhà báo Trương Duy Nhất thắc mắc: “Càng ngày càng thấy nhiều nhà báo viết blog. Càng ngày càng thấy nhiều người chen nhau đọc blog đến nghẽn mạng. Đấy là dấu hiệu buồn hay vui?”.

Lạm dụng yếu tố “ổn định chính trị

Khoan bàn đến buồn – vui, xin quay lại với quan niệm, cách quản lý, lối hành xử của chính quyền đối với hệ thống truyền thông. Có khá nhiều người đã lạm dụng yếu tố “ổn định chính trị” để trục lợi và có thể chọn trường hợp tờ Đại Đoàn Kết như một ví dụ.

Khoảng cuối năm 2007, nhiều trang web Việt ngữ trên Internet giới thiệu một lá thư gửi lãnh đạo Đảng, ghi tên người viết là Lý Tiến Dũng – Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Trong thư, ông Dũng chỉ trích hết sức gay gắt cá nhân ông Hồng Vinh, Phó Ban tuyên giáo Trung ương “đã từng vì lợi ích cá nhân, cản trở báo chí không cho đăng tải tin tức về một vụ hiếp dâm trẻ con (vụ án Lương Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Thể dục thể thao quốc gia) thì không thể có tư cách giáo dục tư tưởng đối với người khác, huống chi là giữ vị trí quản lý báo chí” và Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi có “quá nhiều người làm không được việc, không được đồng chí và nhân dân ủng hộ ở các nơi khác”.

Sau thư kể trên, giữa tháng 1 năm 2008, báo chí trong nước đưa tin, Ban Bí thư Trung ương Ðảng vừa có quyết định để ông Hồng Vinh và ông Ðào Duy Quát thôi giữ chức phó Ban Tuyên giáo Trung Ương. Khoảng mười tháng sau, ông Lý Tiến Dũng bị “cảnh cáo” rồi bị buộc phải “chuyển công tác” vì “vi phạm kỷ luật tuyên truyền”.

Trong khi ở Việt Nam, muốn được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí, người ta phải có “phẩm chất chính trị” tốt, bao gồm: “lý lịch trong sạch”, “lập trường vững vàng” và đủ “trình độ chính trị” thì ông Đinh Đức Lập, người được chọn để thay ông Lý Tiến Dũng làm Tổng biên tập lại là người từng dùng bằng “trung cấp chính trị” giả để chứng minh “trình độ chính trị” của mình, nên bị chính báo chí chỉ trích không tiếc lời hồi tháng 3 năm 2001.

Hậu quả tất nhiên của những vướng mắc nhiều mặt vì nguyên nhân như đã kể, được ông Nguyễn Vạn Phú, Thư ký tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, khái quát tại Đại hội Hội Nhà báo TP.HCM, hồi tháng 2 năm nay: “Không ít lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp, thể hiện rõ nhất là việc ra lệnh không đăng tin này, bỏ tin kia, không đề cập đến vấn đề này, không bàn vấn đề kia mà không có giải thích thỏa đáng. Ðã có nhiều lần cơ quan quản lý báo chí tỏ ra chậm chạp trong phản ứng trước các vấn đề thời sự. Trong thời đại thông tin ngày nay, sự thiếu chuyên nghiệp đó đã tạo ra một khoảng trống thông tin bị lấp ngay bởi thông tin không chính thống, tạo ra những luồng dư luận ngược chiều không đáng có.”

Thật ra, tự thân “ổn định chính trị” vốn là điều hết sức cần thiết. Không có “ổn định chính trị” sẽ không thể phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có thể có “ổn định chính trị” thật sự khi nó phát xuất từ nhu cầu và nỗ lực chung của dân chúng. Khi “ổn định chính trị” chỉ là cách mà chính quyền dùng để biện minh cho việc áp đặt các phương thức quản lý, để đạt những mục tiêu của riêng mình thì không bao giờ có thể tránh được rắc rối, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông…

Một nhà thơ tên Nguyễn Tấn Cứ nhận xét:

“Tôi nghĩ thế kỷ này rất lạ. Đó là thế kỷ của mở rộng tòan cầu, của Internet, của thông tin. Ở đâu đó cấm thông tin, bưng bít thì thông tin vẫn xì ra ở chỗ khác. Cho nên sự bưng bít đó vô nghĩa, càng bưng bít càng vô nghĩa.”

Thực tế cho thấy, dù rằng quyền được thông tin, quyền được phát biểu ý kiến chỉ tồn tại như khẩu hiệu, công chúng nói chung, nhà báo nói riêng, thậm chí cả cán bộ, đảng viên vẫn tự giành lấy những quyền đó theo cách của họ.

Đâu phải tự nhiên mà thông tin, hình ảnh, âm thanh, văn bản thuộc dạng cấm kỵ xuất hiện mỗi ngày một nhiều trên Internet. Chúng chính là những bằng chứng sinh động và rõ ràng nhất.


Bài của Trân Văn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét