Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Khi cả một bộ máy chống một con người




“… Cả một bộ máy đồ sộ hùng hổ chống một con người tay không tấc sắt. Nó có thể nghiền nát một con người ư? Xưa kia đó là chuyện thường. Nhưng thời thế đã thay đổi nhiều rồi …”

Bộ máy ấy là chế độ độc đoán độc đảng toàn trị, hình ảnh rớt lại của mô hình cai trị theo kiểu Staline và theo kiểu Mao Trạch Đông, đã bị lịch sử loại bỏ.

Cả một bộ máy đồ sộ ấy, đông người, tốn của, đang được huy động để tận lực chống một con người: anh luật sư trẻ Lê Công Định.

Chống anh Định, có những ai đã xuất trận ?

Chống Anh, trước hết là bộ chính trị 15 người, đồng lòng, nhất trí, phồng mang trợn mắt, ra lệnh cho bộ hạ ra tay, thẳng cánh hạ nhục và trừng trị Anh.

Cả một bộ máy công an, cảnh sát, an ninh, phản gián được huy động để điều tra, sưu tầm, vẽ nên tội, dựng thành tội cho Anh. Tội này là trọng tội, tội lật đổ nhà nước, tội phản nghịch, tội có thể mất đầu như chơi.

Hai ông tướng Công an, một trung tướng, một thiếu tướng đã vào cuộc từ phút đầu.

Cả bộ ngoại giao được huy động, từ bộ trưởng, các thứ trưởng, các đại sứ khắp 5 châu, cho đến người phát ngôn mặt trơ trán bóng đều ồ ạt vào cuộc để "giao thiệp" rộng rãi, cố lên gân thuyết phục thế giới rằng Anh là tên phiến loạn, là kẻ khủng bố nguy hiểm cần trừng phạt; đây là chuyện trong nhà chúng tôi, xin chớ can thiệp.

Cả bộ máy thông tin, truyền thanh, truyền hình, báo chí, loa phát thanh tuôn ra những sớ dài kể tội và thú tội của Anh. Anh trở thành kẻ nguy hiểm nhất của chế độ, của xã hội Việt Nam! Anh bị giới báo chí trong nước - được coi là lương tâm thời đại - (hay tim đen chế độ?) - bề hội đồng.

Anh Lê Công Định thật ra có tội không ?

Theo con mắt bệnh tật của kẻ cầm quyền toàn trị, tội anh nhiều, rất nặng.

Anh dám thương dân mình cực khổ nghèo hèn, anh dám thương nước mình lạc hậu, kém xa các nước láng giềng về mọi mặt. Anh dám mong ước có một nền dân chủ đa nguyên lành mạnh, như phần lớn nước khác trên thế giới. Anh dám nghĩ đến một hiến pháp tiến bộ thay cho hiến pháp hiện hành, với một chế độ dân chủ thứ thật, thay cho chế độ mà Linh mục Nguyễn Văn Lý nhận xét: “chưa Độc lập, thiếu Tự do, không Hạnh phúc".

Anh nghĩ đến những tổ chức chính trị khác để cùng đảng cộng sản ganh đua phục vụ nhân dân và đất nước, đưa đảng CS ra khỏi cảnh đơn côi, một mình một chiếu, không ai kiểm soát, kiềm chế, sinh ra hư đốn bệ rạc, tham nhũng tha hoá như nhãn tiền.

20 bài luận văn chính trị của Anh là chắt ra từ tế bào của bộ não gắn chặt với quê hương đất nước của Anh, từ những giọt máu đỏ tươi thuần Việt trong trái tim nhạy cảm của anh. Anh kêu gọi: xin chớ ươn hèn, bạc nhược !

Bộ chính trị toàn trị rất có lý (cái lý sự cùn của họ) khi coi 20 bài luận văn ấy là nguy hiểm, là phản động (!), là phạm pháp (!), là chết người (người nào ?), cần lên án gấp.

Nhóm lãnh đạo thêm cay cú khi thấy Lê Công Định sớm sủa ký tên vào Kiến nghị ngừng ngay việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên, hoà mình ngay với 135 trí thức tinh hoa tiên phong của dân tộc. "Kiến nghị hơn 2 ngàn" và mạng "Bauxite Việt nam.Info" đang đột phá thẳng vào trung tâm chế độ đang rữa nát.

Họ càng thêm cay cú khi Lê Công Định tỏ ý thảo đơn kiện nhóm lãnh đạo Bắc Kinh ra trước Tòa án quốc tế về việc họ ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận Việt Nam. Bộ chính trị bẽ mặt quá, vì họ chỉ dám "giao thiệp" với phía Trung Quốc về chuyện này. Họ không dám "phản đối", còn lâu mới dám viết công hàm "lên án" hành động mất dạy, cướp biển, vi phạm công pháp quốc tế ấy. Bài học yêu nước của anh luật sư trẻ làm cho họ cảm thấy nhục, làm họ bẽ mặt không chịu nổi, thế là họ nổi cáu, trả thù.

Cả một bộ máy đồ sộ hùng hổ chống một con người tay không tấc sắt. Nó có thể nghiền nát một con người ư? Xưa kia đó là chuyện thường. Nhưng thời thế đã thay đổi nhiều rồi.

Bởi vì, dưới con mắt quang minh chính đại của người lương thiện, theo quyền lợi chính đáng của nhân dân và đất nước, theo luật pháp của thế giới văn minh, trên lập trường yêu nước, anh Lê Công Định không có một chút xíu gì là phạm pháp hết; ngược lại, anh là một thanh niên tiên tiến, một luật sư dũng cảm, có trách nhiệm với quê hương đất nước, một tinh hoa hiếm có của dân tộc Việt Nam. Anh am hiểu luật pháp đông, tây, kim, cổ. Anh tìm hiểu kỹ hiến pháp và luật pháp. Anh vận dụng nhuần nhuyễn luật pháp, tinh thần của nó; anh hiểu có các cách giải thích khác nhau; anh thừa hiểu cung cách nguỵ biện, cãi xoá, nói lấy được, lý sự cùn của cộng sản.

Anh Lê Công Định chỉ mong sớm được đưa ra một phiên toà xét xử công khai, có luật sư, có đồng bào mình, có đại diện các ngành truyền thông quốc tế và các nhà ngoại giao.

Anh thừa sức bẻ gãy cho nát vụn mọi buộc tội và kết án.

Anh thừa sức để chỉ ra rằng 2 viên tướng kết tội anh đã rành rành phạm pháp, khi vụ án chưa khởi tố, khi còn trong thời điểm điều tra, đã tương ra công khai tất cả chi tiết (chưa được tòa xác minh, đánh giá) , lạm dụng quyền của ngành tư pháp. Ai cũng biết, một bị cáo chỉ bị coi là có tội sau khi có lời tuyên án của chánh án trước toà.

Anh thừa sức để chứng minh rằng trình tự xét xử một vụ án theo đúng những điều khoản của bộ luật hình sự đã bị vi phạm nặng nề. Có thể là vì Bộ chính trị quá nôn nóng để bịt mồm anh, "tiêu diệt" anh vì thâm thù anh; cũng là để sớm tâng công với quan thầy Bắc kinh của họ, làm yên lòng Hồ Cẩm Đào; hoặc có thể là do lệnh trực tiếp từ Bắc kinh, do đích thân uỷ viên bộ chính trị đảng CS TQ, Trưởng ban tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều đưa sang, "truyền lệnh" thẳng cho ông tổng họ Nông [ xưa nay trưởng ban tổ chức TW chỉ lo về nhân sự của đảng mình; không có việc gì liên quan đến đảng khác cả. Lần này họ Lý đến Hànội hôm trước thì hôm sau anh Định bị bắt (!). Sao ngẫu nhiên kỳ vậy! ].

Nếu ra toà công khai, anh Định chỉ cần nói một câu: Hiến pháp Việt Nam có nêu rõ quyền công dân được tự do tư tưởng và tự do lập hội hay không? Tôi chỉ thực hiện 2 quyền hiến định ấy. Mọi điều luật trái với hiến pháp đều là vi hiến, là phi pháp!

Tất cả những người Việt Nam có chung một tần số yêu nước, thương dân với anh Định, có chung lập trường dân chủ đa nguyên, theo cung cách không bạo động, có chung một chí khí bảo vệ đến cùng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chống mọi mưu đồ bành trướng và nô dịch, hãy chung một đòi hỏi: đưa luật sư Lê Công Định ra xét xử sớm nhất trong một phiên toà công khai minh bạch, đàng hoàng, có quan sát quốc tế.

Không làm như thế, bộ chính trị, chính phủ, nền tư pháp của chế độ hiện hành rõ ràng là đuối lý, sợ ánh sáng của sự thật, của công lý, và phải trả lại tự do không chậm trễ cho người thanh niên tuấn tú Lê Công Định mà hiểu biết, nhân cách, nghị lực và lòng yêu nước, yêu tự do, trọng luật pháp đã tỏ ra vượt xa, rất xa 15 vị tự dành toàn quyền cai trị đất nước một cách tuỳ tiện và phi pháp, vì bị "đặc quyền" và "tiền bẩn" làm cho mê muội và mù quáng.

Không làm như thế, 15 uỷ viên bộ chính trị sẽ như luôn đứng trước vành móng ngựa của công luận trong "vụ án Lê Công Định", rồi đến vụ án "bauxít Tây Nguyên", dẫn đến vụ án "không bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc" nữa.

Bùi Tín
Paris 26-6-2009

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Về anh luật sư trẻ Lê Công Định




Tôi ngắm ảnh anh. Tôi xem tướng anh. Tôi đọc tiểu sử anh. Tôi đọc tin tức tới tấp về anh. Tôi xem lại 7 bài viết mang tính chất luận văn của anh. Tôi suy nghĩ về anh. Qua đôi kính cận, đôi mắt anh sáng, thẳng, cương nghị. Nét mặt anh có chiều sâu của suy tư, điềm tĩnh.

Những bài viết của anh rõ ràng, mạch lạc, thẳng vào vấn đề, dễ hiểu, truyền cảm. Tôi đã đọc bài anh viết trên báo Tia Sáng, Pháp luật, Tuổi Trẻ, cả Nhân dân nữa.

Tôi không thấy cần nhận xét thêm về anh. Những đánh giá người biết anh, quen anh, hiểu anh ở trong nước là quá đủ. Cũng chẳng cần nhắc lại cái "tâm" và cái "tầm" trong các luận văn của anh. Văn là người.

Bác Trần Lâm, luật sư già dặn, từng là thẩm phán toà án tối cao, nay tham gia đấu tranh cho dân chủ, không dễ tính khi xét người, đánh giá Lê Công Định được trọng nể, học vấn cao, có tâm sáng, dễ gì mà được chọn làm phó chủ nhiệm đoàn luật sư Sàigòn. Anh từng tình nguyện cãi miễn phí cho các bạn luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, nhà báo Điếu Cày, với giọng ôn tồn mà sâu sắc, chặy chẽ.

Thế giới từng biết anh. Anh nghiên cứu luật ở Pháp, ở Mỹ, tham gia những hội luận về luật. Anh bị bắt, các chính phủ, bộ ngoại giao, các đại sứ, các tổ chức nhân quyền quốc tế ... các nước lên tiếng ngay, mạnh mẽ, dứt khoát.

Ai cũng hiểu, chế độ độc đảng tuy lâu nay ba hoa về luật pháp, về nhân quyền, về bản chất là dị ứng với luật pháp, là đối lập thù địch giới luật sư.
Não trạng của nhóm lãnh đạo CS từng đóng cửa trường đại học luật từ năm 1945 đến năm 1974, từng xóa diệt thẳng tay chức vị luật sư, với những toà án nhân dân không luật sư, do bộ chính trị và các đảng uỷ quyết định mức án, từng xử tử hình hàng vạn lương dân trong cải cách ruộng đất, và bỏ tù hàng chục vạn đồng bào ta qua "cải tạo"... cái não trạng hủ lậu dã man ấy cho đến nay vẫn không hề đổi thay và tỉnh ngộ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tốt nghiệp tiến sỹ luật ở Paris khi 23 tuổi, chỉ vì được mời lên tiếng nhận xét tình trạng lạc hậu về pháp lý trong cải cách ruộng đất, đã bị bộ chính trị đày đoạ cho đến chết (lột hết chức : uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận, hiệu trưởng Đại học, giáo sư, cấm dạy tiếng Pháp ...)

Gần đây, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân đã bị tù; bà luật sư Bùi Thi Kim Thành bị ép vào viện tâm thần. Luật sư Lê Trần Luật bị đe doạ và quấy nhiễu. Họ toàn là luật sư do trong nước đào tạo.

Luật sư trẻ Lê Công Định bị Công an chế độ chiếu tướng, theo dõi giám sát chặt 2 năm nay vì nhiều lẽ. Anh học giỏi; anh am hiểu luật, cả kim cổ, đông tây. Anh thông minh, tài trí. Anh có tư duy độc lập. Anh có nhân cách. Anh có lòng thương dân mình, yêu nước mình. Anh động lòng về các hiệp định bất bình đẳng Việt-Trung; anh sớm ký tên vào kiến nghị ngừng ngay việc khai thác bôxít. Anh ca ngợi Hào khí Diên Hồng; anh cổ vũ bà con ta, nhất là tuổi trẻ đừng nhu nhược, bạc nhược.

Anh là của hiếm; là vốn quý của dân tộc, anh là "vàng ròng " của tương lai Việt Nam.

Công An Cộng sản điểm mặt anh, thâm thù anh, "khẩn cấp" bắt anh vì những lẽ trên, vì quá nhiều lý do như thế, lại còn vì anh sắp viết một bài
tố cáo, hay một lá đơn gửi Liên Hợp Quốc hay Toà Án quốc tế khởi kiện nhà cầm quyền Bắc kinh cấm ngư dân Việt nam không được đánh cá trong vùng biển của Việt nam. Bẽ mặt ông thủ tướng, bẽ mặt bộ trưởng ngoại giao, bẽ mặt và chạm nọc 15 uỷ viên bộ chính trị.

Cho nên 2 viên tướng an ninh phải xuất hiện để mở đầu vụ án.
Cho nên mọi món chưởng độc nhất, thâm nhất sẽ còn được họ đưa ra thi thố với anh. Anh đã biết từ sớm.
Cho nên họ bầy trò kết tội anh âm mưu lật đổ chế độ trước cả khi khởi tố.
Cho nên họ bày chuyện anh nhanh nhẩu "thú nhận mọi tội lỗi" và "xin được khoan hồng".
Cho nên họ cố tạo ra hình dung một con người khác, mềm yếu, ươn hèn, nhũn như con chi chi.

Còn lạ gì công an mật vụ của những chế độ độc quyền đảng trị, thù ghét những con người quang minh chính trực, nhất là khi đảng cầm quyền toàn trị tha hoá, suy đồi đến độ ''nơi nơi uất hận, khắp chốn kêu than" như hiện nay. Họ dở đủ ngón của bọn Hitler, Goebel, của Gestapo, của bọn Mật vụ Nga, Stasi Đông Đức, được thụ huấn trực tiếp và học lỏm, còn hợp tác cả với bọn xã hội đen kiểu Mafia mới để trị những Lê Công Định.

Xin chớ ai quá lo, quá sợ cho số phận của luật sư Định. Cuộc đọ sức tưởng như quá ư chênh lệch. Một con người có tim và óc đầy chất người tinh khiết chống lại cả một bộ máy, súng đạn, nhà tù, quyền lực vũ phu,
nhưng con người ấy có chính nghĩa dân tộc, có lẽ phải làm chỗ dựa vững, có nhân dân hậu thuẫn, có pháp luật quốc tế và thời đại hỗ trợ.

Luật pháp ghi rõ mọi khai báo, thú nhận của bị cáo khi bị ép cung, mớm cung, trong doạ nạt, bạo lực hay qua dụ dỗ mua chuộc lộ liễu cũng như tinh vi ... đều không có giá trị pháp lý.

Chính phủ Mỹ đã quyết định "quên", coi như "không có" những lời thú nhận của mấy chục phi công tù binh Mỹ ở Hilton Hànoi là đã gây tội ác chống nhân loại ở Bắc Việt, khi họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị dử mồi là thú nhận thì được tháo cùm, được nhận quà, thư, ảnh của bố, mẹ, vợ con...

Tôi còn nhớ rõ vụ ông Võ Đại Tôn hồi năm 1982 thú nhận hết tội lỗi, còn đóng kịch xuất sắc, lừa bộ trưởng công an Phạm Hùng và các thứ trưởng, vụ trưởng an ninh, để được ra mắt các phóng viên quốc tế Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Đức ... để lúc ấy mới đột nhiên lên án chế độ toàn trị Cộng sản, giữa sự tưng hửng, bàng hoàng của bộ xậu an ninh.

Tôi tin ở con người. Tôi tin ở tuổi trẻ trong thời đại mới. Tôi tin ở dân tộc mình. Cho nên tôi lạc quan, tuy bao giờ cũng thận trọng, không lạc quan tếu. Ta hay yên lòng chờ ...

Vụ án Lê Công Định còn dài. Cuộc đấu tranh còn dài. Nhiều Lê Công Định nữa sẽ xuất hiện, trong 4.400 luật sư đang hành nghề và hàng ngàn sinh viên luật đang được đào tạo.

Tôi biết rõ một số em đang học luật đã viết bài luận văn tuyệt vời bác bỏ Luật đất đai và Luật báo chí hiện tại, mà các em cho là "phản động " thật sự, vì kìm hãm sự phát triển của xã hội ta.

Hậu sinh thật khả uý vậy.

Paris 21-6-2009.
Bùi Tín

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Đâu là chân tướng thực trong vụ bắt LS Lê Công Định


Vụ bắt LS Lê Công Định quả là gây "sốc" lớn cho giới trí thức VN, như lời của một người đồng nhiệm với LS trên BBC


Sốc vì LS Lê Công Định là người có tiếng tăm, có học thức trong xã hội, chưa hề bị răn đe về các hành động khiêu khích chính quyền, và chưa hề có hành động nào lộ rõ là chống đối chính quyền, ngoài các phản ứng thông thường về các sự kiện bất bình trong xã hội. Có thể nói, LS Lê Công Định có đến 8, 9 phần giống như mọi trí thức trẻ khác, mang tinh thần cấp tiến, yêu nước, yêu chuộng công lý và tự do, - Hay nói cách khác, LS Lê Công Định là hình mẫu thành đạt của thanh niên Việt Nam ngày nay, là kiểu mẫu thế hệ trẻ mà giới trí thức mong muốn để chấn hưng đất nước.


Vậy tại sao LS Lê Công Định bị bắt - với lời buộc tội to đùng là "âm mưu lật đổ chế độ" nhưng chỉ bị bắt một mình, với những hồ sơ giấy tở thể hiện quan điểm riêng, không cổ võ bạo lực, chưa được phát tán, và thực sự không thể có hại gì đến an ninh quốc gia?


Hiển nhiên, ngoài các nhân vật chóp bu ra, không ai có thể biết được chân tướng thực sự của vụ bắt bớ này. Tuy nhiên, đây lại là điểm chúng ta, thế hệ trẻ tiến bộ, cần biết nhất, để có thêm sự hiểu biết về đất nước mà chúng ta đang sinh sống, để thấy được những việc từng cá nhân sẽ phải làm giúp đất nước vượt qua các khó khăn, tiến lên con đường văn minh, dân chủ.


Với vị trí người ngoài cuộc, tôi chỉ có thể đưa ra các suy luận của mình dựa trên các thông tin có được và kinh nghiệm sống. Hy vọng các bạn ở các vị trí thuận lợi khác sẽ cung cấp thêm thông tin để ta cùng thấu hiểu chân tướng thực của vụ bắt người rất đáng quan tâm - này.

--------------------------------------------------


Theo lô gích thông thường của bên An Ninh thì chưa đến mức phải tiến hành bắt khẩn cấp LS Lê Công Định, vì nguy cơ với an ninh quốc gia chưa thể hiện rõ ràng. Tất cả những chứng cứ đưa ra chỉ là tài liệu, quan điểm đấu tranh ôn hòa, dựa trên lý lẽ, dù không có lợi cho chính thể hiện nay, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, và do đó không thể có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thời điểm bắt cũng rất phi lô gích khi Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa trên biển, Quốc Hội và Chính Phủ thì đang nóng lên về các chính sách và vấn đề điều hành phát triển kinh tế, với các ý kiến nhiều chiều.

Nếu thực sự nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bên An Ninh cần tìm cách giảm bớt xung đột chính trị xã hội trong nước, để tăng cường đòan kết, ổn định tinh thần tư tưởng nhân dân lao động và giới trí thức.

Nếu thực sự LS Lê Công Định là đối tượng quá nguy hiểm với an ninh quốc gia, vì sự ổn định xã hội, bên An Ninh có thể cô lập đối tượng này thông qua việc giám sát chặt hơn các đối tượng “tay chân” có ít tên tuổi xã hội hơn. Đồng thời, thông qua hệ thống truyền thông, từng bước hạ thấp uy tín xã hội và chuyên môn của LS Lê Công Định để việc bắt người không gây sốc nhiều cho dư luận, như trường hợp của Cha Lý.


Với những lời buộc tội nghiêm trọng “tổ chức lật đổ chế độ vào năm 2010”, thì việc chỉ bắt được mình LS Lê Công Định với một số tài liệu kêu gọi đấu tranh dân chủ bất bạo động là rất không tương xứng. Thông thường, bên An Ninh sẽ kiên nhẫn chờ lâu hơn một chút, để ra tay bắt luôn một mẻ lưới lớn khi các lãnh tụ của phong trào bắt đầu gặp gỡ và xúc tiến các công việc cụ thể. Ít nhất việc đó giúp họ luận tội rõ ràng hơn, chưng ra được chứng cứ cụ thể hơn, và giúp họ có thành tích to tát hơn.

Trong mối quan hệ với quốc tế, Việt Nam thừa biết rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ thường là chủ đề bị công kích nhiều nhất, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Để hình ảnh đất nước tốt hơn, quan hệ làm ăn đỡ có vấn đề, đương nhiên phải hạn chế tối đa những hành động có thể bị thế giới coi là vi phạm nhân quyền và dân chủ. Bắt đột ngột (khẩn cấp) một LS trẻ, tài năng, có tiếng trong các vụ bảo vệ nhân quyền và dân chủ, với các lý do mơ hồ, là một việc làm không thể tồi hơn để bôi nhọ thành tích nhân quyền và dân chủ của Việt Nam, trong một thời điểm Việt Nam cần nó hơn bao giờ hết.


Với nhiều điểm bất thường như vậy, có thể sơ bộ kết luận rằng vụ bắt LS Lê Công Định không xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tính cấp thiết của sự việc. Vụ bắt này cũng hòan tòan không phản ánh quan điểm bảo vệ an ninh truyền thống của Đảng và Nhà Nước trong tình hình mới, vốn đề cao ổn định xã hội và chỉ tiến hành bắt khi đó là cách duy nhất để duy trì trật tự và ổn định xã hội.


Hiện tượng trên nghiêng về giả thuyết rằng việc bắt LS Lê Công Định là phản ứng của một nhóm lợi ích đang thâu tóm một số quyền trong trong nội bộ Đảng và Nhà Nước, nhằm cứu vãn những kế họach của họ hiện đang bị trào lưu phát triển của xã hội đe dọa.


Thông qua việc bắt LS Lê Công Định với lời buộc tội hàm hồ về “một kế họach lật đổ chính quyền vào năm 2010” nhóm này muốn đánh tiếng với giới đương chức về nguy cơ có thực của “diễn biến hòa bình” như là mối nguy cơ chung để họ giảm bớt nhiệt tình đấu tranh, cải cách, châm chước cho các sai phạm của nhau, gia tăng đòan kết nội bộ. Có lẽ các Đại biểu Quốc Hội là những đối tượng chính của thông điệp này. Mặt khác, như là một lô gích của sự phòng vệ, sự kiện này sẽ giúp bên An Ninh sự chính danh để can thiệp sâu hơn, mạnh hơn tới các tư tưởng cáo buộc lãnh tụ, Đảng, Nhà Nước, dưới danh nghĩa bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia. Các chỉ trích về vụ bê bối Bô xít, tham nhũng, năng lực điều hành, tham nhũng, … vì thế sẽ giảm đi.


Khi việc bắt LS Lê Công Định gây sự phẫn nộ ở các nước dân chủ Phương Tây (chắc chắn không thể không tạo ra sự phẫn nộ), điều này có nghĩa rằng Việt Nam đang tách xa dần quỹ đạo Phương Tây. Muốn lại gần Trung Quốc hơn, không có việc gì tốt hơn là có xung đột với Phương Tây.

Vụ bắt LS Lê Công Định đang được sử dụng như một công cụ để minh chứng cho các quan chức sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình”, quan điểm luôn “thù địch” và “chống đối” của các nước Phương Tây với Việt Nam – vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ trong tương lai không xa (2010).

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng giữa sự lựa chọn: một là ngả theo Trung Quốc gần để tránh đối đầu và giữ yên chế độ; hai là thúc đẩy cải cách phát triển theo các tiêu chí văn minh phương Tây và thế giới, nhưng với nguy cơ sụp đổ chế độ; - thông điệp mà vụ bắt LS Lê Công Định thực sự rất có ý nghĩa trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.


Tuy nhiên, khi tiến hành khống chế xã hội trên tư duy lợi ích nhóm, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ làm xã hội, nhất là giới trí thức, thêm “sốc”, suy giảm niềm tin, hoang mang hơn, về các giá trị đạo đức tinh thần thực sự mà chế độ này đang hướng tới. Cùng với những vụ đình đám như PMU 18, tham nhũng vốn FDI, Bô xít Tây Nguyên, bắt phóng viên đưa tin, vụ Công Giáo, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ càng làm lộ rõ hơn những mặt thối nát của chính quyền hiện tại.

Có thể nói, vụ bắt LS Lê Công Định, vì toan tính nhỏ hẹp trên tư duy lợi ích nhóm, không vì lợi ích quốc gia, đang gây chia rẽ xã hội và đẩy giới trí thức Việt Nam ra xa chính quyền hơn lúc nào hết. Nếu nhân cơ hội này giới trí thức ra tăng đấu tranh để tạo thêm nhiều vụ bắt bớ nữa thì có thể nhân gấp bội sự bất bình của xã hội, mào đầu cho các thay đổi tích cực theo hướng tôn trọng sự thật, nhân quyền.
....................................................................................................Bài viết của Văn Minh


Bài viết trên cho thấy nhà cầm quyền Việt nam đang rời xa phương Tây để đến gần Trung Quốc qua việc bắt giữ LS Lê Công Định, thế nên chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi đọc bài viết sau trên blog Người Buôn Gió:


Sự trùng hợp ngẫu nhiên ?


Sau khi TBT Nông Đức Mạnh cam kết với ông Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCS Trung Quốc Lý Nguyên Triều sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Ngay sau đó Việt Nam bắt giữ Ls Lê Công Định.

Ngoài những tin mà từ ông Vũ Hải Triều đưa ra với báo chí, còn có nguồn tin từ phía LS Lê Quốc Quân nói LS Lê Công Định đang chuẩn bị tài liệu để bác bỏ hành động ngang ngược xâm phạm lãnh hải của Việt Nam của Trung Quốc và dự định khởi kiện việc này ra tòa quốc tế .


Chương trình kỷ niệm 1000 Thăng Long tới đây tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1-10-2010. Trùng với ngày Quốc Khánh của Trung Quốc.


Theo sử ghi thì tháng 7 năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô về Hoa Lư.


Được biết năm 2010 còn là năm kỷ niệm trọng đại tình hữu nghị Việt - Trung.

--------------------------------------


Đây cũng là lý do chính để nhà cầm quyền Việt nam bắt khẩn cấp LS Lê Công Định vào thời điểm này.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Hoa Kỳ kêu gọi VN trả tự do cho luật sư Lê Công Ðịnh




Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa lên tiếng về việc bắt giữ luật sư Lê Công Định





Chiều ngày thứ Hai, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Ian Kelly ra thông cáo nói rằng Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc trước sự kiện nhà chức trách Việt Nam bắt giam ông Lê Công Định hôm thứ bảy, và buộc ông vào tội 'tuyên truyền chống nhà nước.'

Các quan chức Việt Nam nói rằng ông Định bị bắt vì bênh vực các nhà hoạt động đòi dân chủ và đã sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của mình.

Luật sư Lê Công Định là một thành viên được kính trọng của cộng đồng luật gia Việt Nam và quốc tế, ông đã tham gia chương trình Fulbright của Hoa Kỳ.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: không thể bắt giam một người nào đó vì người này bày tỏ quyền tự do phát biểu, và không thể trừng phạt một luật sư vì người này đã chọn thân chủ nào để biện hộ.

Cuối cùng thông cáo cho biết: việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định đã đi ngược với cam kết của chính phủ Việt Nam là sẽ tuân thủ các chuẩn mực được quốc tế chấp nhận liên quan đến nhân quyền và chế độ pháp quyền.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Định cũng như tất cả các tù nhân khác đang còn bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
(Bài phỏng dịch của VOA)




Tổ chức Phóng viên không biên giới yêu cầu trả tự do cho luật sư Lê Công Định

Ngày 15 tháng sáu năm 2009






Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã kêu gọi nhà chức trách Việt Nam nhanh chóng trả tự do cho luật sư Lê Công Định, tác giả nhiều bài viết về dân chủ, và là nhà tranh đấu cho nhân quyền có tiếng tăm. Là người bảo vệ cho nhiều blogger và nhiều nhà tranh đấu cho tự do ngôn luận, ông có nguy cơ chịu án tù vì những bài viết và bình luận của mình đăng tải trên báo chí và internet.

Tổ chức này khẳng định: "Trong một quốc gia pháp quyền, một luật sư phải được tự do trình bày các sự kiện trước tòa án và báo chí để bảo vệ thân chủ của mình. Chúng tôi lo ngại rằng việc bắt giữ này là nhằm trừng phạt một người ủng hộ đáng kính phục cho nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Sau khi đã đe dọa các nhà báo đòi tự do báo chí cũng như giới Công giáo, bây giờ chính quyền lại tấn công các luật sư, thánh lũy cuối cùng bảo vệ các quyền tự do".

Ngày 13 tháng sáu năm 2009, công an đã bắt giữ ông Lê Công Định với lý do "âm mưu lật đổ chính quyền". Theo các nhà báo Việt Nam được RSF phỏng vấn, ông Lê Công Định không tham gia chính trị, nhưng thường xuyên viết những bài báo về vấn đề nhân quyền đăng trên Internet cũng như trên các báo chí Việt Nam.

Theo nhiều nguồn tin, việc bắt giữ này có thể liên quan đến việc một số luật sư Việt Nam đệ đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc trao quyền khai thác mỏ bauxite cho một công ty Trung Quốc. Việc này đã gây xôn xao lớn trong dư luận ở Việt Nam.

Công an tuyên bố với báo chí rằng ông Lê Công Định bị truy tố theo điều 88 bộ luật hình sự, trừng phạt tội tuyên truyền chống nhà nước. Luật sư bị quy kết đã lợi dụng các vụ kiện của một số thân chủ để chống phá nhà nước và "liên lạc với phản động trong và ngoài nước nhằm phá hoại nhà nước Việt Nam".

Trước báo giới trong nước, phó tổng cục trưởng tổng cục an ninh Vũ Hải Triều đã khẳng định việc thu giữ nhiều "tài liệu, chứng cứ âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam".

Ông Lê Công Định, 41 tuổi, đã bào chữa cho các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng như cho blogger nổi tiếng Điếu Cày.

Bài dịch của Mai Chi Nhat

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Những "điềm báo" đáng mừng




Mượn câu nói của người Mỹ "Take a deep breath and take a step back" để quan sát lại tình hình tổng thể tại VN trong vòng 5 năm vừa qua, có nhiều điều cho chúng ta phải cảm thấy phẫn nộ, lo lắng. Tuy nhiên, có những biểu hiện, mà nếu nhìn kỷ, sẻ thấy những mục rã của chế độ cai trị đang hiển thị mà hầu như không có cơ hội "reverse" hay "re-habilitate itself," hay biểu hiện của một "imminent collapse" của chế độ cai trị hiện tại.

Năm 2005, đa số dân chúng ở thành thị, từ thành phần có học thức cho đến người dân bình thường, hớn hở lạc quan với việc VN gia nhập WTO với những lạc quan "hóa rồng" từ những tuyên truyền của chế độ. Nhưng 2005 là điểm đỉnh của hình parapol ngược, hay điểm cực đại của một con pháo "thăng thiên", chứ không phải của một "tên lửa" đã đạt đến điểm đỉnh và đã đến hồi phải "rơi xuống." Điểm đỉnh này không chỉ đánh dấu kết thúc những "kết quả" về kinh tế, nhưng đánh dấu cho những hỗn loạn xã hội bắt đầu "phát tác" từ những mầm mống suy hoại do tham nhũng, suy đồi đạo đức, etc. vốn đã "stack up" cả hơn hai thập niên, kể từ thời kỳ đổi mới.

Nếu đổi mới về kinh tế + lượng Kiều hối ồ ạt giúp cho nền kinh tế VN cải thiện cuộc sống của đa số người dân thành thị, thì chính những số tiền khổng lồ đó làm "hủ hóa" đại đa số đám quan lại của chế độ cai trị. Với chế độ cai trị từng ngày từng ngày trở nên "thao túng" và trở nên "dày mặt" hơn trong việc tham nhũng, dĩ nhiên đám quan chức sẻ trở nên dạn dĩ hơn trong việc xây nhà, mua xe, ăn chơi trác táng, với những đồng tiền tham nhũng quá dễ dàng.

Đó là bản chất chung của con người, khi tiền vào nhiều một cách bất chính thì không thể không xài bởi họ cảm thấy đồng tiền sẻ trở nên vô ý nghĩa, nếu họ cứ thu vào mà chẳng sử dụng nó. Cho nên, khi vài chục hay vài trăm người trong vài trăm ngàn (hay vài triệu) quan chức trong đám tham nhũng, bắt đầu ăn chơi gái gú, đánh bạc hàng triệu đô, hay mua xe hàng trăm ngàn đô không bị "sờ gáy", thì đám "tham quan" còn lại dĩ nhiên không dại gì không đi vào lối mòn "đã được rà mìn và dọn đường sẵn. Nếu nhìn lại VN trong giai đoạn này, năm 2005/2006 bắt đầu cho việc ồ ạt nhập xe ngoại thuộc dạng "hàng khủng" ở tại SG lẫn HN mà điểm đỉnh là hàng loạt xe "Maybach, Roll Royce hay Bentley" bạc triệu, mà giá trị của những xe nhập sau luôn "top" giá trị của những chiếc xe đã nhập trước trong hai năm 2007/2008, nhằm thể hiện đẳng cấp "tao hơn mày" của những trọc phú đỏ.

Trong lúc đó, nạn tham nhũng nghiêm trọng được những phe nhóm chính trong đám cai trị dùng như những đòn đánh "trả thù" để giữ thế cân bằng, được trá hình như những "quyết tâm chống tham nhũng" mà đa phần những người dân thường trong nước tin vào những "quyết tâm" như thế.

Vụ PMU 18 có thể nói là một "tai nạn" trong cuộc chiến giữa các phe phái, mà vô tình phe "miền Nam", tưởng đã thắng thế trong cuộc sắp xếp nhân sự vào năm 2005, thừa thắng xông lên. Từ một vụ cá độ bóng đá đơn giản, nhờ sự "phanh phui của báo chí" từ các tờ báo lớn gốc ở miền Nam, vụ án đã dẫn dắt liên quan đến những viên chức cao nhất (kể cả con cái của ngài Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh.) Và chuyện gì đến đã phải đến, tiêu biểu là cuộc phản công ngoạn mục như chúng ta đã thấy qua vụ hai phóng viên phải vô khám và ngài Nguyễn Việt Tiến vô tội.

Khi vụ PMU-18 bắt đầu bị "nhận cho chìm xuồng" trong giai đoạn 2006-2007, đám dân có trình độ chuyên môn vốn đang làm việc trong các cơ quan công quyền, bắt đầu ngán ngẩm trước những sự việc vô lý bắt đầu hiện diện: sự xa xỉ với việc mua sắm xe cộ hàng triệu đô, tham nhũng không bị đẩy lùi mà còn "tiến nhanh tiến mạnh" sau những tuyên bố hùng hồn của ngài Thủ Tướng đẹp trai, etc.

Nếu nhìn lại giai đoạn bắt đầu năm 2007-2008, hàng loạt những người có trình độ bắt đầu "từ quan" một cách ồ ạt ra khỏi các cơ quan nhà nước có trọng trách xây dựng, quản lý, và điều hành những chính sách vĩ mô về kinh tế, xã hội, trong những năm 2006-2008, để ra làm cho những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sự ra đi của nhóm người trình độ có chuyên môn & vốn còn chút lòng tự trọng, để lại những cơ quan đầu não quan trọng nhất trong việc điều khiển quản lý hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội của một đất nước trong tay của một đám người dốt nhất, tham nhũng nhất, luồn cúi nhất của hệ thống cai trị.

Sự chảy máu chất xám này đã được báo chí trong nước "liên tục" báo động, từ những cơ quan đầu não, vốn đã quá thiếu thốn "chuyên" nhưng thừa "hồng." Sự "di tản" này lại làm giảm thêm sự cản trở hay e dè ít ỏi nếu có từ những cơ quan công quyền này, thúc đẩy thêm sự lồng quyền tham nhũng ngày càng mạnh hơn từ những cơ quan này.

Chúng ta có thể thấy những lộn xộn "trống đánh xui, kèn thổi ngược" trong những chính sách đối phó với vụ khủng hoảng lạm phát/tín dụng của hai năm 2007/2008, khi những chính sách đưa ra, được thay đổi "xoành xoạch" đã gần như "bóp nghẹt" nền kinh tế VN trong giai đoạn này. Đây là hậu quả của sự chảy máu chất xám, khiến những kẻ ngu ngốc đưa ra những chính sách ngu xuẩn và không có sự đánh giá/phản biện của những người có chuyên môn cao từ trong nội bộ của các cơ quan này.

Trong khi đó, cuộc "quyết chiến chống tham nhũng" đã phá sản, những người vốn tin tưởng vào "sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà Nước" giờ đây hiểu rõ họ chỉ là những con chốt thí (thậm chí Xe Pháo Mã vẫn bị thí như thường) trong ván cờ tranh giành quyền lợi/quyền lực. Và khi lực lượng ít ỏi còn chút lương tâm trong hệ thống cai trị buông xuôi thì những con rối sẽ chiếm lĩnh khán đài với những trò hề ô nhục mà chúng ta đang chứng kiến. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng CSVN, những trò mua bán đổi chác của họ mang sự ô nhục, vô liêm sĩ như những gì đang diễn ra hiện tại. Nếu những màn "Đấu Tố Địa Chủ, Đánh Tư Sản, hay Cải Tạo Sĩ Quan QLVNCH" trong quá khứ là hệ quả của sự sai lệch về "ý thức hệ" hay ngu dốt về "văn hóa giáo dục" thì những "mua bán đổi chác" hiện nay của đám chóp bu đều mang chủ ý và chủ đích nhằm "trục lợi và bảo vệ quyền lợi cá nhân và phe nhóm." Đám người này hiểu rất rõ những tác hại gì mà đất nước và dân tộc VN đã và đang phải gánh chịu do những hành động vơ vét mà họ đang làm. Những tác oai tác quái mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là do sự "trốn chạy" cuối cùng của những người còn chút lương tâm đã ra khỏi hết hệ thống công quyền đã hoàn tất, những kẻ còn lại còn lại là đám cướp với một động cơ duy nhất "vét nhanh, vét sạch" theo kiểu "mạnh ai nấy vét" trước khi không còn gì để vét.

Như một đám sói đang "ngồm ngoàm" tranh giành xé nát con mồi, những ai đang "chọc gậy bánh xe" muốn cứu con mồi sẻ bị đám sói lang này vồ và cấu xé. Luật sư Định là một ví dụ tiêu biểu.

Những gì đang xảy ra là những biểu hiện cuối cùng của một "con bệnh" hết thuốc chữa. Có thể ví VN hiện tại như một cỗ xe lao dốc không phanh, mà những người có khả năng "hãm nó lại đôi chút" đã nhảy hết ra ngoài.

Cho nên, những hiện tượng gần đây tuy làm cho chúng ta "bất bình", nhưng nếu nhìn và phân tích kỷ càng, lại là những "điềm báo" đáng mừng cho một chế đô sắp suy vong. Nếu chúng ta không làm gì, cỗ xe này trước sau gì cũng phải "crash" ở đáy của vực thẳm. Nếu chúng ta nôn nóng muốn đưa nó về miền "vĩnh hằng" mau hơn, để dân chúng VN đỡ được cơ cực ngày nào hay ngày đó, thì hãy cùng nhau "gỡ bỏ" những gồ ghề trên con dốc để chiếc xe này chạy lẹ xuống thêm chút nữa.


Bài viết của unknown, thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Den besvärlige mr Dinh (Ông Định gây nhiều phiền toái)









Một nhà báo Thụy điển viết về Lê Công Định

Tác giả Tom Knutsson đã có bài viết đăng trên tạp chí của Hiệp hội Luật sư Thụy điển, số ra tháng 02/2009







Bài dịch của LinMat


Ông Định gây nhiều phiền toái


Người luật sư Lê Công Định thách thức chế độ cộng sản. Cho dù chế độ làm bất cứ thứ gì để ngăn cản ông, ông vẫn không mệt mỏi tiếp tục làm việc. Trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, ngành luật giữ một vai trò quan trọng.


Lê Công Định đã làm việc trong ngành luật hơn hai mươi năm. Ông có mở một văn phòng luật thương mại. Trong những năm gần đây ông ngày càng quan tâm tới vấn đề nhân quyền.

- Chính phủ không cho rằng có sự tồn tại các mục tiêu chính trị. Nhưng thực sự là có, ông nói tóm gọn.

Chúng tôi gặp mặt ở Hiệp hội Luật sư một ngày âm u mùa đông vào tháng 1 khi ông đến thăm Hiệp hội nhân dịp một hội thảo.

Theo ông Lê Công Định, Việt nam còn thiếu một Hiệp hội Luật sự đại diện cho cả nước. Trong năm 2009 tổ chức NBA Hiệp hội Luật sư Quốc gia sẽ bắt đầu hoạt động. NBA sẽ đại diện cho luật sự từ tất cả các tỉnh thành. Có một mâu thuẫn giữa luật sư từ miền Bắc và miền Nam trong Hiệp hội NBA mới này.
- Phần lớn các luật sư từ Hà nội ở gần chính quyền trung tâm và sự quan liêu ở đó rất nặng nề. Luật sư ở phía Bắc lo sợ sẽ bị mất cái ghế và ảnh hưởng nghề nghiệp của họ. Ở phía Nam Việt nam có một lịch sử dân chủ lâu đời hơn. Đó là một di sản không nên bị đánh mất, ông Định nói.
Một hoạt động quan trong của Hiệp hội Luật sư Quốc gia này sẽ là phát triển các mối quan hệ quốc tế. Ông Định nhấn mạnh rằng việc hợp tác với Hiệp hội Luật sư của các nước khác là quan trọng.
- Chúng tôi muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các hiệp hội luật sư nước ngoài, ví dụ như Hiệp hội ở Thụy điển. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ phía các bạn. Cho dù nghề luật sư đã tồn tại rất lâu ở nước chúng tôi, việc phát triển nghề này đã ngưng lại sau chiến tranh ở VN. Bây giờ là lúc chúng tôi học tập. Đây là cách duy nhất cho chúng tôi phát triển nghề nghiệp.

Ông Định mô tả là nhiều phần của hệ thống pháp luật Việt nam dựa trên hệ thống châu Âu. Vì vậy tất nhiên nên học tập từ Hiệp hôi Luật sư châu Âu khi muốn xây dựng một Hiệp hội chung cho cả nước. Đồng thời hệ thống của Mỹ cũng tốt để học tập.

Theo ông Lê Công Định, giới chức chính phủ Việt nam không vui vẻ gì khi thấy ngành luật trong nước thay đổi vị trí và tự định hình. Vì vậy chính phủ cố gắng bằng nhiều cách áp đặt sự ảnh hưởng của mình.
- Bởi vì luật sư là ¨người bạn của Dân chủ¨, nên giới chức chính trị không thích gì ngành nghề của chúng tôi, ông Định nói.

Lê Công Định kể rằng các cơ quan chức năng bằng nhiều cách khác nhau cản trở ông ấy và một ví dụ là họ cố gắng tìm bằng chứng để kết tội ông trốn thuế.

Không tồn tại tự do ngôn luận ở Việt nam. Nhưng bởi vì chính phủ bề ngoài bày tỏ thái độ là phải chống tham nhũng, nên vẫn còn có thể đề cập và thảo luận vấn đề này.
- Ông kể là ¨Trong những năm gần đây tôi đã viết nhiều bài báo và đòi hỏi một hệ thống Hành pháp độc lập và sự thi hành các nguyên tắc và bảo vệ nhân quyền. Vì vậy mà tôi đã gặp rắc rối.¨

Có rất nhiều khó khăn khi các luật sư hành nghề ở Việt nam. Ông Lê Công Định coi sự tham nhũng tràn lan trong hệ thống Luật pháp và tòa án là cản trở lớn nhất. Một trở ngại khác là sự miễn cưỡng, sự đối kháng của quan chức chính quyền, tòa án và chánh án đối với các luật sư. Một vấn đề nghiêm trọng khác là Việt nam còn thiếu một Ủy ban Chánh án độc lập.
Bất chấp những khó khăn đó, ngành học Luật khá phổ biến trong giới trẻ trong nước.
- Nhưng bởi vì chúng tôi thiếu một cơ chế để trừng phạt các luật sư phạm sai sót, nên có một số luật sư đã ảnh hưởng uy tín nghề này.
Tổng cộng có khoảng 4400 luật sư ở Việt nam, nơi có dân số 89 triệu người. Số lượng luật sư là quá ít cho cả nước. Theo Lê Công Định, ngay cả nếu con số này tăng gấp ba lần cũng chưa đủ.

Việt nam đang hướng tới gia tăng dân chủ. Tình hình kinh tế đã cải thiện qua nhiều năm tương tự như Trung quốc. Tầng lớp trung lưu đã cải thiện cuộc sống và sự phát triển này gia tăng sự đòi hỏi việc tôn trọng nhân quyền.
- Chúng tôi cần thay đổi trong hệ thống chính trị, nếu không mọi thứ sẽ đổ sụp. Người dân đã mất niềm tin vào sự dẫn dắt của Chính phủ, ông Lê Công Định nói thêm rằng:
- Tôi tin rằng trong vài năm nữa chúng tôi có thể bầu cử tự do. Việt nam sẽ vượt qua Trung quốc trong quá trình dân chủ. Hiện nay người dân Việt nam đang tăng áp lực lên chế độ này.

Đầu tư nước ngoài ở Việt nam là rất quan trọng trong quá trình này. Ngành luật sư và nông dân là hai nhóm chính yếu thúc đẩy việc hướng tới dân chủ hóa Việt nam.

Chính phủ Việt nam tất nhiên điều khiển chặt quân sự và cảnh sát. Nhưng ông Định không nghĩ là tình hình sẽ phát triển đến một Bắc Triều tiên mới.
- Chính phủ Việt nam khôn hơn thế. Việt nam sẽ không trở thành Bắc Triều tiên hay Cuba. Ông nói rằng chính phủ cố thỏa mãn lòng dân được chừng nào hay chừng đó, nhưng không đến mức thực hiện tự do thực sự.

Thay vì thế, ông thấy trước mắt những điều giống cái đã xảy ra ở Đông Đức. Người dân thay đổi mọi thứ hoàn toàn trong một thời gian ngắn.
- Đây là cách phổ biến nhất Chế độ Cộng sản tan rã trên thế giới.
Trong một nước Việt nam đổi mới mà ông hướng tới, ngành luật sư có một nhiệm vụ quan trọng:
- Những người nghèo và người bị thiệt thòi ở Việt nam thực sự cần sự giúp đỡ về luật pháp, không chỉ để làm ăn mà còn để có công bằng, công lý nhiều hơn, ông Lê Công Định nói thêm:

Công lý thực sự rất quan trong cho chúng tôi bởi vì các tòa án không thể mang lại sự công bằng cho dân chúng nữa. Chúng tôi phải dùng các luật sư của mình để cố mang lại công bằng. Chúng tôi không thể chấp nhận một hệ thống toàn hối lộ và chúng tôi phải chống sự tham nhũng tràn lan.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Luật sư Lê Công Định đã bị bắt khẩn cấp trưa nay 13/6/09



Trưa nay 13 -6 2009, Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Luật sư Lê Công Định, sinh năm 1968, hiện cư ngụ tại: BB34, phố Mỹ Khang, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, Quận 7, TP HCM. Ông Lê Công Định hiện đang là Trưởng Văn phòng luật sư Lawyer, số 115 đường Nguyễn Huệ, Q.I, TP HCM.



Một nguồn tin từ cơ quan An ninh: ông Lê Công Định bị bắt về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88 – Bộ Luật hình sự, vì đã có những hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam, ông đã từng có bài viết trên BBC


Ông Lê Công Định, nguyên là một công chứng viên đã được học bổng du học tại Pháp, và đã lấy bằng thạc sĩ luật tại Đại học Louisana, Hoa Kỳ. Vợ ông là hoa hậu Ngọc Khánh. Ông Định cũng từng là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM.





Cơ quan Công an truy tố ông vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự VN:

Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguời phạm tôi có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.



Nhà cầm quyền Việt nam hiện nay giống như ngọn đèn sắp tắt, nó sẽ cháy bùng lên trước khi tắt lịm.

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2009

Phỏng vấn Nhạc sĩ Tô Hải


Tô Hải, người nhạc sĩ đa tài


(Âm thanh bản nhạc "Nụ cười sơn cước"...)


Thưa quý vị, một đoạn ngắn nhạc phẩm "Nụ cười sơn cước" mà quý vị vừa nghe là nhạc phẩm đã đưa nhạc sĩ Tô Hải đến với quảng đại quần chúng Miền Bắc trong thập niên 50. Nhạc sĩ Tô Hải đã dành cho chúng tôi một cuộc nói chuyện lý thú chung quanh việc sáng tác cũng như các hoạt động khác trong suốt cuộc đời ông. Ngoài ca khúc, giao hưởng, nhạc thính phòng, ông còn viết nhạc cho hàng chục vở kịch, bộ phim. Nhạc sĩ Tô Hải còn là dịch giả của hơn chục đầu sách, trong đó có các tác phẩm của những nhà văn lớn như Victor Hugo, Peter Adam...



Người nhạc sĩ đa tài này năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn còn ngày ngày ngồi trước máy tính để viết trên trang blog của mình. Có lẽ Nhạc sĩ Tô Hải là một blogger lớn tuổi nhất Việt Nam và những trang viết của ông vẫn còn đậm chất trữ tình, hài hước xen lẫn những lý luận sắc bén trước nhiều vấn đề xã hội. Trước tiên ông cho biết:


NS Tô Hải: Tôi thuộc loại thanh niên trước Cách Mạng Tháng Tám (1945), tôi đã tham gia làm "tự vệ chiến đấu" chuẩn bị để "cướp chính quyền". Rồi đến ngày 2 tháng 9 tôi chuyển từ tự vệ chiến đấu sang Vệ Quốc Đoàn để chống Pháp, để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, chống bất công xã hội. Lúc bấy giờ thanh niên có học không ai là không muốn làm cái chuyện đó cả.


Mặc Lâm: Thưa Nhạc Sĩ, có phải chính thời gian đi kháng chiến này mà ông đã bước vào lĩnh vực sáng tác hay không?


NS Tô Hải: Đúng. Trong thời gian chiến đấu, nhất là khi rút lui lên trên rừng, lúc bấy giờ làm gì có phương tiện gì như tivi, radio, cho nên mình cũng phải nghĩ ra cách làm thế nào để bộ đội người ta vui. Thế là tôi viết kịch, tôi làm nhạc - gọi là làm ca khúc cho đúng chữ hơn. Tôi có khiếu nhạc từ lúc còn học trường dòng, kể cả đi học chữ thì ngày xưa cũng có trường dạy âm nhạc, cho nên tôi có viết một số các sơ lược về các nguyên tắc "composition", "harmonie", cho nên tôi có khá hơn anh em, vì thế tôi làm được một loạt những bài hát như "Nụ cười sơn cước" được phổ biến. Lúc bấy giờ tôi có là nhạc sĩ nhạc siếc gì đâu. Hoàn cảnh lúc bấy giờ gọi là nghĩ cái gì, cảm thấy cái gì là mình viết, chớ cũng chưa phải biết là âm nhạc phải phục vụ chiến đấu gì đâu. Cứ thế là anh em đều làm, mạnh dạn viết. Tôi, Ngọc Bích, Canh Thân đi theo bộ đội thì đều sáng tác theo kiểu khúc thức, thậm chí đến cả giai điệu, cả đến tiết tấu, nhịp điệu là đều ảnh hưởng đủ các thứ, nào là nhà thờ cúng có, hướng đạo cũng có, rồi thì phim ảnh của Pháp, của Mỹ, bắt chước phim Horoshi, cả đến những bài của Nhật Bản lúc bấy giờ nó sang, sau này là đế quốc Mỹ - Bob Hope, cho nên chúng tôi cứ sáng tác thục mạng lên, thế là dần dần bổng dưng nổi tiếng trở thành nhạc sĩ lúc nào không biết.


Mặc Lâm: Có một thời gian ông được học âm nhạc từ các giảng viên nước ngoài, ông có thể kể lại vài điều về thời kỳ này hay không?


NS Tô Hải: Tôi được tập trung cũng với các anh Nguyễn Xuân Khoát, anh Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Văn Tý, Vũ Trọng Hối, Trương Ngọc Trác. Chúng tôi được tập trung, bỏ hẳn công việc để mà tập trung vào một nơi và được các chuyên gia nước ngoài dạy cho các hình thức sáng tác khác với lại ca khúc. Chúng tôi được tập trung học 18 tháng tất cả các hình thức nhạc nào mà Việt Nam từ xưa tới nay chưa được học. Nhưng mà khổ một nỗi là trong âm nhạc, học là một việc, còn làm được hay không lại là một chuyện, thì trong số đó anh em chúng tôi chỉ có một vài anh làm được, trong đó có tôi. Thì tôi có viết một số tác phẩm mà bên này thường gọi là "những tác phẩm âm nhạc đích thực"; họ gọi là "composition" đó, thì tôi có được một tác phẩm được khen thưởng và được biểu diễn ít hôm rồi thì là phải xếp, tại vì thời đó chúng tôi làm gì có dàn nhạc giao hưởng, cho nên phải đi mượn cả ở các nơi như trường nhạc, quân nhạc, một số đoàn văn công, cuối cùng tác phẩm cũng sống được một thời gian.







Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy

Mặc Lâm: Trong loạt bài được ông sáng tác ở giai đoạn này có một bài được nhắc tới nhiều đó là bài "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy". Bài này sáng tác vào năm 1958 lúc đó Miền Bắc và Trung Quốc đang trong giai đoạn nồng ấm, nhưng ông đã cảnh báo hãy coi chừng biên thùy phía Bắc. Ông có thể cho biết lý do nào đã thúc đẩy ông sáng tác nhạc phẩm này không?


NS Tô Hải: Tình hình lúc bấy giờ tôi cũng không có ý thức chính trị gì lắm đâu, nhưng mà tôi luôn nghĩ rằng biên thùy là phía Bắc, chứ nước Việt Nam chia đôi thì tôi không nghĩ đó là biên thùy. Thế còn bên Lào với bên Campuchia thì tôi ở trong quân đội nên tôi biết thừa là quân đội của mình đang ở hẳn bên đó, ở Cánh Đồng Chum đánh nhau, hy sinh ở bên đó rất nhiều, thì tôi không nghĩ có chuyện gì bên biên giới Lào. Ý thức của tôi là giữ biên thùy như ông cha chúng ta thường giữ.

Trong các tác phẩm của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận ngày xưa viết về Ải Chi Lăng, viết về Hội Nghị Diên Hồng, bàn về bảo vệ đất nước, đánh hay thắng thì toàn ở phía Bắc. Cái ý thức của tôi là như thế, nhưng tôi không hề có chữ nào là chống Trung Quốc. Mà nếu bây giờ tôi viết thì sẽ viết khác. Thế nhưng các bài đó lúc bấy giờ phổ biến bình thường. Chỉ có điều là đến thời kỳ Trung Quốc đánh ta năm 1979 thì các bài đấy được phát liên tục. Thế nhưng sau khi hòa hoãn với "16 chữ vàng" và "bốn tốt" thì các bài đấy xếp xó.

Biểu tình chống Trung Quốc cùng sinh viên VN




Mặc Lâm: Xin quay lại với Nhạc sĩ Tô Hải. Thưa ông, các trang blog trên mạng đã đồng loạt đưa tin về việc ông cùng với các sinh viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Xin ông cho biết vài chi tiết về sự việc này.

NS Tô Hải: Tôi thì nói thật là đã lâu rồi tôi chán, thậm chí có lúc tôi rút về ở một cái làng nhỏ ở Nha Trang. Cho nên vào đây tôi ở trên một cái lầu tầng 11, tôi bảo là mình đi tu tiên. Tôi chả dính líu gì đến xã hội, tôi chả sinh hoạt gì, thậm chí đến hội nhạc thành phố mời tôi thì tôi cũng chả dự. Thế nhưng đến lúc thấy chuyện anh em sinh viên biểu tình đúng quá. Tình hình như thế này, vào thời buổi này thì làm sao mà giấu nổi mà các nhà lãnh đạo thì cứ giấu! Cái chuyện Trung Quốc ăn dần đất nước của mình cả trong đất liền lẫn ở ngoài biển, thế mà anh em sinh viên chúng nó là con cháu tôi, chúng nó đi biểu tình thì bị các anh đàn áp. Thì tôi ra đây để cho chúng mày đàn áp.


Nói thật là tôi cũng chỉ muốn ra để hà hơi tiếp sức cho anh em vì nói chung bây giờ anh em sinh viên - thanh niên ở đây không được như thanh niên - sinh viên các nước đâu. Họ bị o ép, họ bị dọa đuổi khỏi học đường. Vì những chuyện đấy mà mình muốn ra để tranh thủ nói được với anh em một vài điều.

Tôi thấy các nhà lãnh đạo hiện nay phải nói thẳng là "quá hèn". Trước sự xâm lược của Trung Quốc mà tất cả những bạn bè tôi, những anh em mà tôi gọi là "cựu chán binh" chứ không phải "cựu chiến binh" mà không ai ra ủng hộ các cháu, các em. Chúng nó chỉ căng cái khẩu hiệu "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" thế mà lại đi đàn áp chúng nó, bắt chúng nó. Và hôm đó tôi nói rất nhiều chuyện. Anh em chúng nó có tội tình gì, không hề có một câu nào chống chủ nghĩa xã hội, đả đảo cộng sản, hay là đả đảo ông Triết, ông Dũng gì cả. Chúng nó chỉ có mỗi khẩu hiệu "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", thế mà anh lại đàn áp. Tại hiện trường họ không dám bắt bớ ai nhưng mà sau này họ tìm rất nhiều cách để họ trù dập, thậm chí họ bắt bằng cách vu cho những tội khác. Tôi thấy mình bây giờ đã 83 tuổi, người ốm yếu như thế này mà mình còn sợ bị bắt cùng với anh em hay sao, cho nên tôi cứ ra, chứ tôi cũng chẳng có cái gan to đến nổi đi đầu ra để làm ông Yeltsin leo lên xe tăng đâu.


Mặc Lâm: Thưa Nhạc Sĩ, trong kỳ trước thính giả đã được nghe ông trình bày việc ông cùng với sinh viên biểu tình chống Trung Quốc. Trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi rất mong được ông kể lại về việc ông viết cuốn hồi ký mà mọi người đang chờ đợi có tên là "Hồi Ký Một Thằng Hèn". Để bắt đầu xin ông cho biết trong suốt bao nhiêu năm làm việc trong vai trò của một nhạc sĩ, ông có nhận xét gì về việc sáng tác của người văn nghệ sĩ Miền Bắc, thưa ông?



Viết theo yêu cầu


Nhạc sĩ Tô Hải: Vấn đề này có lẽ anh hỏi thì anh có thể trả lời được rồi. Tất cả văn nghệ sĩ chúng tôi ở Miền Bắc, anh nào cũng viết theo yêu cầu, theo nghị quyết thì anh đó sống đàng hoàng hơn người dân, nhưng mà đó là sống đời sống vật chất thôi, chớ còn đời sống về tinh thần thì tôi cho rằng một trăm phần trăm là đều thấy khổ. Cả những ông trùm văn nghệ như ông Nguyễn Đình Thi cuối cùng cũng để lại cho đời những lời tuyên bố mà chắc là các anh cũng đã biết, hay là những ông như Chế Lan Viên thì cũng phải viết lại cuộc đời của mình, xin lỗi đồng bào, lỗi tại ai mà ba ngàn người đi đến khi về chỉ còn có 5, lỗi tại ai? thì ông nói là tại ông ấy: "Tại tôi, tôi luôn luôn hô cho người ta xung phong". Ông viết là bây giờ mấy người còn lại thì có tiếp tục viết về quá trình mình phục vụ ở Miền Bắc không. Ông Nguyễn Khải thì các anh chắc cũng biết rồi. Ổng chết rồi, ổng để lại một cái bản là lên án ghê gớm nhất từ xưa đến nay và được phổ biến cả thế giới rồi. Cả cuộc đời là gì? Ổng là đại tá, là đại biểu quốc hội, là ban chấp hành Hội Nhà Văn, nhưng mà cả cuộc đời ổng chỉ là viết những thứ mà ổng tự đặt ra là, ổng tự cho là "một mớ tạp nham, chẳng có chút giá trị gì về văn học nghệ thuật". Nói chung, tất cả những người có ăn, có quyền lợi nhiều nhất từ nhà nước thì bây giờ ông thấy là các cái đó chẳng qua là vì miếng cơm manh áo cho vợ con thôi.


Tóm lại, chẳng anh nào viết thật lòng cả, cho nên tôi dám nói một trăm phần trăm là kể cả những anh là "quan văn nghệ" viết mà không theo đúng trái tim của mình, mà viết theo yêu cầu. Cho nên chuyện này tôi cho rằng chẳng có anh nào gọi là văn nghệ thật có tên có tuổi mà thấy sung sướng cả. Thì đấy là cái khổ, chớ còn đời sống vật chất thì giữa lúc nhân dân đau khổ, kiếm từng miếng thịt, kiếm từng miếng đậu phụ, thì dân văn nghệ cũng không đến nỗi. Anh nào càng viết được nhiều, càng nịnh bợ được nhiều thì anh đó lại càng được hưởng quyền lợi hơn. Anh vào được cái chức ban chấp hành, anh vào được cái chức tổng thư ký, mà tất cả đều là cơ quan của đảng và nhà nước, thì anh ăn lương. Anh sẽ có một bậc lương, thí dụ như tổng thư ký thì anh ăn lương ngành bộ trưởng. Quyền lợi thì ví dụ như của ông Nguyễn Khải mà tôi vừa giới thiệu đấy, thì ông hơn hẳn chúng tôi, về gia đình, vợ con, nhà cửa, thậm chí có ông như ông tổng thư ký một cái là được về ở ngay chỗ chung với các ông Trần Đức Lương, chung với ông Vũ Bảo mà gần đây một số trang web có đưa lên. Nhưng mà thật tình những cái đó ổng chỉ hưởng là vì ổng làm những việc không đúng trái tim mình. Nguyễn Khải thì ổng có nói là cái giải thưởng Hồ Chí Minh của ổng là một cái bia cắm trên một đời văn học nghệ thuật đã đến hồi chấm dứt.

Tất cả những cái đó anh em văn nghệ ngày hôm nay đều tỉnh ra và thấy rằng tác phẩm của mình bây giờ có ai thèm đọc; thậm chí đưa vào các giáo trình học của các lớp một, lớp hai thì nó cũng thật đáng buồn cười. Ví dụ như đến bây giờ sách học lớp chín vẫn có những bài trích ở trong những bài mà các ông ấy viết ra để ca ngợi cải cách ruộng đất, thì bố mẹ thấy con học những bài đó ai cũng phải buồn cười. Các tác phẩm đó đâu còn là tác phẩm, cho nên cả cuộc đời của các ông ấy bây giờ có cái gì đâu! Ông nào có cái gì thì đều ở trước cách mạng tháng tám thôi. Người ta nói tới Xuân Diệu, nói tới Huy Cận, kể cả ông Nguyễn Tuân thì bây giờ người ta chỉ nói đến những tác phẩm của ổng từ năm 1945 trở về trước, chớ sau 45 cho đến bây giờ ổng có còn cái gì đâu! chẳng lẽ lại kể ổng có tác phẩm về "phở", về "giò chả". Cho nên một thế hệ văn nghệ sĩ Miền Bắc đã viết toàn những đồ vứt đi, trong đó có tôi.



Những anh hùng không có thật

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến việc học sinh đang phải học những bài học rất khác xa với thực tế. Có phải ý ông muốn nhắc đến những anh hùng như Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn hay là Phan Đình Giót....theo ông thì những nhân vật này có thật như những gì mà báo chí hay sách giáo khoa viết hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Những nhân vật đó có thật nhưng mà các nhà báo thường phóng nó lên. Tôi xin nói rằng một cái chết từ kháng chiến chống Pháp cũng vậy, thì tới ông nhà báo là lập tức những nhà báo, gọi là báo cáo láo, báo bộ là bố bạo, đều viết cho nó đẹp thêm thôi, chớ sự thật thì trong chiến tranh chả có chiến tranh nào mà không có cái chết, thí dụ chết khi mà xông lên mà nằm ở lổ châu mai thì cũng là một thứ chết, chết nằm vắt ở trên khẩu pháo thì cũng là chết, chết mà cầm hai cái chân để cho trung liên người ta bắn rồi thì mình chết thì cũng là chết. Nhưng mà các ông nhà báo biến lên thành những thứ gọi là điển hình hóa, là ổng đưa nó lên thành ra muốn ai trở thành anh hùng tự dưng cứ thế mà mấy ổng dệt ra thêm.

Mặc Lâm: Riêng về anh hùng Tô Vĩnh Diện thì sự thực như thế nào, thưa ông?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi có bằng chứng của những người ở ngay cùng đơn vị, cùng tiểu đội đó với Tô Vĩnh Diện, thì đó là một tai nạn. Anh đó là bẻ càng, nhưng mà bẻ cái càng trong lúc kéo pháo lên chớ không phải lao xuống dốc. Kéo lên thì đáng lẽ anh đó đánh tay càng về bên trái thì anh lại đánh cái càng về bên phải cho nên nó mới tuột, nó đè phải anh ấy, chớ không phải anh ấy lấy thân anh ấy để anh chèn cái khẩu súng, chèn cái khẩu pháo. Thì đấy là cách mà báo chí ở cái xã hội này "nói dzậy mà không phải dzậy".

Mặc Lâm: Dù sao thì việc thổi phồng những nhân vật này là tâm lý muốn chiến thắng bằng mọi giá trong hoàn cảnh lúc đó, thưa ông?

Nhạc sĩ Tô Hải: Nhưng mà rồi con cái chúng ta nó cứ phải học và nó cứ tưởng là chuyện thật. Cho đến Lê Văn Tám cũng vậy, nó cứ tưởng là chuyện thật. Ngày hôm nay con tôi nó học Trường Lê Văn Tám, nó bảo là người ta nói không có Lê Văn Tám, đó là những chuyện phản khoa học. Hoặc là những chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng thì có nhưng mà người ta cứ thêu dệt ra thêm, nó không khoa học. Nói thật, một người lấy thân mình bịt lổ châu mai thì ai mà học quân sự đều biết ở phía trong chỉ cần đẩy một cái, là cái xác đó rớt xuống và lại bắn tiếp tục thôi chớ làm gì người đã chết rồi mà còn bịt được lổ châu mai.

Đỏ hóa Miền Nam

Mặc Lâm: Sau ngày giải phóng có nhiều người từ Bắc vào Nam cảm thấy thất vọng về những gì mà nhà nước đã nói cho họ biết trước đó. Chẳng hạn như bà Dương Thu Hương thì bà này đã ngồi bệt xuống vỉa hè để khóc, còn ông lúc đó thì sao?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi thì tôi cho là bà Dương Thu Hương lúc bấy giờ tuổi của bả cũng còn trẻ, học hành của bả cũng ít, chớ còn bản thân chúng tôi thì biết cả rồi. Xin nói là chúng tôi ở Miền Bắc, những lớp văn nghệ sĩ biết tiếng Tây, tiếng Anh thì chúng tôi thiếu gì tài liệu mà đọc đâu, thậm chí không có thì giờ mà đọc nữa. Cho nên chúng tôi biết rằng cuộc chiến tranh này họ (cộng sản) mà thắng thì dân Miền Nam sẽ khốn nạn. Vì sao? Họ sẽ mang tất cả những gì mà họ đã tiến hành ở Miền Bắc theo đúng cái chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Tàu mang vào trong Miền Nam để họ thực hiện. Thế cho nên bà Dương Thu Hương thì bả lạ, mà cũng chưa chắc bả nói thật là phải ngồi xuống vỉa hè mà khóc vì thấy mình bị lừa, thấy cái xã hội này nó không phải như người ta nói. Báo chí (Miền Bắc) nói là trong này bị kềm kẹp, bị đói khổ, bị đế quốc Mỹ xâm lược, vân vân, thì bả khóc. Chứ còn tôi thì tôi chả khóc, tôi chỉ lo, mà không phải lo cho tôi đâu, mà bạn bè chúng tôi, tất cả văn nghệ sĩ nào đã có học thì đều biết rằng đây là một cuộc "đỏ hóa" Miền Nam này, mà đã đỏ hóa Miền Nam này - đỏ theo kiểu Việt Nam, tức cộng sản Việt Nam khác cộng sản Tàu, khác cộng sản Nga ở chỗ là sẽ mất hết, nghĩa là nhà máy, đồng ruộng, và thậm chí đến cả những người buôn bán lẻ, những người mà tôi có viết trên bài "Những người bị ruồng bỏ". Thực tế ai cũng sẽ khổ thôi. Thế còn cái khổ nữa là cái chuyện làm cho hơn một triệu gia đình chờ mong con cháu gọi là "đi học tập 20 ngày" mà sự thật gọi là đi tù thì đúng hơn, mà là đi tù không có án. Thế thì những cái đó chúng tôi trông thấy trước.



Xin được sống trong một xã hội tự do

Mặc Lâm: Thưa những điều ông vừa bày tỏ với thính giả hôm nay cũng là những gì mà cuốn sách mang tên "Hồi ký một thằng hèn" do ông sáng tác chứa đựng. Ông có lo lắng khi cuốn sách này được phát hành rộng rãi sẽ làm cho nhà nước quan tâm đặc biệt đến ông hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Khi đã quyết định đưa ra thì sự thật tôi không sợ gì nữa và sẵn sàng chờ tất cả những cái gì sẽ đến với tôi. May mắn là vợ con tôi thì cũng hoàn toàn ủng hộ tôi. Và cũng không thể nào trù vợ con tôi để mà bắt tôi phải im hơi lặng tiếng được. Đây, xin mời các ông đến bắt đi, để có dịp tôi dạy cho các ông những bài học yêu nước, những bài học về những sai lầm mà ngày xưa chúng tôi đã phải chịu đựng, mà bây giờ thực tế ra thì các ông đang sửa chữa nhưng các ông không tuyên bố đó thôi. Các ông đã không dám làm cải cách ruộng đất, các ông đã không dám bắt văn nghệ sĩ đi đày, đi cải tạo, trừ những văn nghệ sĩ mà đóng lon thiếu tá trở lên thì các ông bắt đi thôi. Chớ còn ngày xưa ở ngoài Miền Bắc chúng tôi anh em chẳng có đáng cái tội gì, chỉ có cái là tự do viết không theo yêu cầu của các ông thôi là các ông bắt đi "cải tạo". Tất cả các chuyện đó bây giờ các ông đang sửa chữa đấy. Vừa rồi đây tại Huế lại tặng thưởng thêm cho Trần Dần nữa, đưa Lê Đạt vào nhà tang lễ của quốc gia, in lại Phạm Quỳnh, in lại Nguyễn Văn Vĩnh. Tất cả những cái đó là các ông đều làm mà các ông không nói ra. Chớ còn tôi thì bây giờ tôi chỉ nói ra hộ các ông thôi. Tôi thì tôi hy vọng, tôi mong rằng làm sao tất cả mọi người hãy thúc đẩy các nhà cầm quyền hôm nay có nhiều hành động và ứng xử có tiến bộ. Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội "nháy nháy", là tội yêu nước nữa. Để cho chúng tôi được sống trong một xã hội tự do như là mọi xã hội tự do khác, kể cả xã hội tự do thấp kém nhất là xã hội tự do Campuchia hiện nay mà các ông cũng không cho.


Mặc Lâm: Xin cám ơn Nhạc sĩ Tô Hải về cuộc nói chuyện ông dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay.

Mặc Lâm



Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Công an Giao thông


Đọc chuyện này thấy vừa buồn vừa cười ra nước mắt nên mang cho bà con xa gần đọc:





Hôm rồi, tôi về quê được mọi người kể nghe một chuyện mà cười ra nước mắt. Trong họ nhà tôi có ông anh làm nghề buôn bán cây cảnh, đá cảnh để bán cho dân lắm tiền ở Hà Nội. Thường ngày, ông này cứ phóng xe rong ruổi khắp các bản làng thôn xóm ở những vùng lân cận để mua cây và đá, đem về chế tác lại một chút rồi bán. Mấy cái loại này giá cả vô chừng, chả biết đường nào lần. Nhìn cái cục đá đen xì mà đôi khi bán được vài trăm, cái cây bé tẹo trông chả ra thế nào vậy mà cũng được vài triệu. Mà lão này lại có tính nghệ sĩ, hơi hâm hâm, nói chung là gàn dở. Có khi gặp ông khách nào hợp cạ thì cho luôn cái cây, cục đá quý nhất của mình. Vợ con khỏi cản. Cái xe máy là phương tiện đi lại của ông này cũng lòe loẹt diêm dúa như con công, có cái đẹp đẹp là lão ấy gắn vào xe nhưng cái biển số thì lão lại gỡ ra . Vốn tính nghệ sĩ nên lão ta để tóc dài và buộc túm nó lại theo kiểu đuôi gà. Do tóc tai như thế nên đối với cái nghị định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì lão ấy coi như dành cho ai đó chứ không phải là lão. Lão ta cứ đầu trần phóng như bay trên đường.

Ở cái đoạn đường quốc lộ vắt qua làng tôi, người ta lập một trạm cảnh sát giao thông. Các bác ở trạm này chả thèm bắt các loại xe máy lìu tìu làm gì cho rách việc, các bác ấy cũng chả thèm soi xem những thằng tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm hay không, vì những thằng không đội mũ bảo hiểm chính là những thằng dân ngụ cư tại làng đó. Ví như có thổi phạt một tay đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ngay lập tức nó sẽ móc điện thoại ra (bây giờ nông dân lại có cái thói hay xài điện thoại) gọi một phát về nhà, chỉ một lúc sau thì họ hàng hang hốc kéo ra, đầu tiên thì đàn bà con gái năn nỉ, các cụ già thì khuyên lơn phân tích này khác, rồi thì co kéo xỉ vả, nhiếc móc đủ loại, trong khi đó đám thanh niên sẽ lợi dụng tình hình lộn xộn để đánh tháo cái xe về thế là công cốc cho các bác áo vàng. Ấy là chưa kể dân làng nó thù cho, lúc trời nhập nhoạng tối nó cho ăn củ đậu bay. Thế là thôi, các bác áo vàng chả dây vào làm gì, chỉ tổ thiệt thân. Các bác áo vàng chỉ chặn các loại xe tải thôi. Bọn xe tải này thì nhẵn mặt nhau. Xe chạy từ xa thì các bác áo vàng nhìn đã biết thằng này có chở quá khổ quá tải hay không hoặc hôm nay nó đã đi được mấy chuyến rồi, cống nạp được mấy lần rồi. Phải tính chuyến là vì giá tiền chuyến sau khác chuyến trước, càng nhiều giá cả càng khuyến mại nhau hơn. Các bác áo vàng cứ ngồi trên con ISUZU mà các bác sành điệu hay gọi pick up thì phải, xe nổ máy rì rì, máy lạnh bật hết cỡ mới chống lại cái nắng gắt mùa hè. Cánh lái xe thì chả cần phải hiệu lệnh dừng xe làm gì, chỉ có thần kinh mới đợi có hiệu lệnh dừng xe, ko tự giác thì ăn phạt gấp đôi ngay, cứ đến trạm là lật đật tấp vào, nhảy xuống cầm cuốn sổ gì cũng được, thậm chí là sổ ghi công nợ hàng hóa, đưa vào trong cabin xe cho các bác áo vàng kiểm tra (?), trong vòng vài giây sau giấy tờ sổ sách được trả lại ngay và xe tải kia lại tiếp tục lên đường. Những gì đã diễn ra trong vòng vài giây đó chỉ có trời mới biết được. Mỗi ngày chuyện đó lặp đi lặp lại đến trăm bận.


Dân làng quanh đó đến trẻ con cũng nhìn thấy những chuyện đấy nhưng vì chả phải chuyện của ta nên cứ mặc mẹ nó. Miễn sao cứ lệ cũ mà chơi, có nghĩa là không phạt xe của dân làng. Cho đến một hôm, trạm ấy có bổ xung về một tay hạ sĩ quan trẻ măng mới ra trường, tay này hăng lắm chả cần biết đầu cua tai nheo gì, cứ luật mà phang, anh dân nào mà phạm luật là túyt còi ngay. Báo hại dân làng cứ chốc chốc bỏ cả đồng áng đề tập họp nhau ra giằng xe của nhà mình về. Bà con căm lắm, ngấm ngầm thù cái tay áo vàng tre trẻ kia và cả cái trạm ấy nhưng chưa có biện pháp gì.


Cho tới một hôm, lão anh họ của tôi sau khi lục lọi khắp các làng bản đã vớ được mấy hòn đá và cái cây lộc vừng to tướng. Lão chất tất cả các thứ ấy lên xe để đèo về. Khi chạy xe ngang qua trạm, thì trời bất dung gian, gặp ngay ca trực của tay hạ sĩ trẻ ấy. Trời nắng mà xe lão anh họ tôi lòe loẹt như gánh hát rong, lại ko có biển bảng gì, thế toét lại. A lê hấp, dỡ hết các thứ xuống đặng giam xe cho tởn. Lão anh họ tôi ngạc nhiên lắm, vì cứ cái thói cậy gần nhà nên cứ để xem nó làm gì, vậy mà nó giam thật. Lão này tính gàn, thay vì gọi về cho mọi người ra cứu viện thì lão cứ lẳng lặng cuốc bộ về, rồi lão cho xe cải tiến ra thồ tất cả các thứ về nhà. Mọi người trong nhà cứ đay nghiến lão, bởi bây giờ có đi xin về cũng chả được vì đã lập biên bản rồi. Còn lão kia thì chả nói chả rằng, lão đi mua mấy cái bánh mỳ gối, mấy hộp sữa và đút cuốn sổ, cây bút vào túi rồi ra chỗ cái trạm của các bác áo vàng kia. Lão cứ đứng đấy lão canh, hễ có xe nào xịt tới là lão h‎ý hoáy ghi ghi chép chép, xong lại lôi cái điện thoại tàu có máy ảnh ra chụp lấy chụp để. Lão cứ ở đấy 24/24 và lặp đi lặp lại từng ấy động tác. Tối đến thì lão chơi thêm đèn pin. Ăn uống, đái ỉa cứ tranh thủ nhoánh nhoàng tại chỗ, vì hai bên là đồng trống nên cũng tiện cho cái thói sau quận công.


Sự việc kéo dài qua ngày thứ hai thì các bác áo vàng xào xáo cả lên vì thất thu nghiêm trọng. Thử hỏi ai mà yên tâm công tác khi lão gàn kia cứ tác nghiệp ko thèm ngưng nghỉ. Thế là đàm phán diễn ra, các bác áo vàng đồng‎ ý cho lão gàn lấy xe về rồi tới ngày hẹn thì ký nốt vào biên bản và đóng phạt cũng được. Nhưng lão gàn này đã lên cơn rồi nên lão chả thèm lấy xe nữa, lão cứ diễn lại trò cũ ấy. Đến nước này thì các bác áo vàng phát cáu lên được. Các bác ấy bèn bảo cái thằng cha xe kiêm cò mồi (trạm giao thông nào cũng phải có thằng cha xe ôm kiêm cò mồi này thì mới là trạm giao thông đúng nghĩa) đi kiếm mấy thằng đầu gấu về dọa lão anh họ tôi một trận để lão ấy ngược chỗ khác. Nhưng các bác áo vàng lại quên một điều, ở nhà quê quan hệ họ tộc vốn rất rộng nên có mấy thằng đầu gấu mò đến thấy lão gàn đó thì đứa nhận là bác, đứa nhận là ông trẻ rồi bị ông trẻ chửi cho một trận là lủi mất. Cứ nhùng nhằng như thế cả tuần lễ, khiến cho các bác áo vàng như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, các bác áo vàng đành mò vào tận trong làng nói khó với cụ trưởng họ. Cụ trưởng họ sau khi khề khà đông tây nọ kia, mới nhận lại cái xe của lão anh họ tôi. Sau đó, cụ vác gậy ra đánh đuổi lão gàn kia về nhà mà lo việc nhà, quấy rối như thế là đủ rồi. Lão gàn kinh sợ cụ Cả nên đành ra về.


Sau này tôi có hỏi lão, nếu ko bị gọi về thì lão sẽ tiếp tục bao nhiêu lâu. Lão chỉ cười phá lên mà không trả lời.


Kể lại chuyện này để thấy tính cộng đồng họ tộc ở người miền Bắc rất cao. Đôi khi phép vua chả cái gì cả so với cái lệ làng của họ.



Bài của Taxi810